10 sự kiện thủy sản Việt Nam 2012

Thursday,
08/02/2018
0

2012, một năm nhiều khó khăn và biến động của thủy sản Việt Nam cả về vốn, thị trường, sản xuất, xuất khẩu và một số mục tiêu lớn không thể hoàn thành. Hãy cùng Thủy sản Việt Nam nhìn lại toàn cảnh thủy sản 2012.

1. Chính thức ban hành Luật Kiểm ngư: Ngày 29/11/2012, Kiểm ngư Việt Nam chính thức ra đời khi Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2012/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của lực lượng Kiểm ngư. Theo đó, Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, trực thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam. Đây sẽ là “lá chắn” vững chãi trên biển giúp ngư dân yên lòng ra khơi. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/1/2013.

2. Sản lượng tăng, giá cả giảm: Theo Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản năm 2012 ước đạt 5,8 triệu tấn, tăng 8,5% so với năm 2011; trong đó, khai thác đạt 2,6 triệu tấn; nuôi trồng đạt 3,2 triệu tấn. Mặc dù sản lượng thủy sản tăng trưởng khá so với năm 2011, tuy nhiên, năm 2012 người nuôi trồng thủy sản lại lao đao vì giá nguyên liệu bất ổn. Giá tôm sú giảm mạnh, có thời điểm giảm gần 50% so với cao điểm năm 2011, chỉ khoảng 120 - 150 ngàn đồng/kg loại 30 con/kg. Còn với cá tra, sau khi chạm mốc từ 26.000 – 27.000 đồng/kg hồi đầu tháng 4, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL sụt giảm liên tục và có lúc “chạm đáy” ở mức dưới 20.000 đồng/kg, người nuôi lỗ nặng.

3. Xuất khẩu không đạt mục tiêu: Trước kết quả rực rỡ của năm 2011, cộng với những thuận lợi liên tiếp xuất hiện, ngành thủy sản đã đặt chỉ tiêu 6,5 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2012. Tuy nhiên, kết thúc 12 tháng, xuất khẩu thủy sản cả nước chỉ đạt 6,18 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2011, thấp hơn chỉ tiêu đưa ra. Trong đó, tôm đạt trên 2,2 tỷ USD, giảm 8,3% so với năm ngoái; cá tra đạt gần 1,8 tỷ USD, tương đương năm 2011, hải sản đạt gần 2,2 tỷ USD. Đây có thể coi là “thất bại” của ngành thủy sản trong năm 2012. Tuy nhiên, đó là sự nỗ lực vượt bậc của toàn ngành trong bối cảnh khó khăn dồn dập.

4. Dịch bệnh trên tôm tiếp tục bùng phát: Năm 2012, cả nước có khoảng 100.776 ha diện tích tôm nước lợ bị thiệt hại do dịch bệnh (trong đó riêng tôm sú là 91.174 ha), bao gồm hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS), đốm trắng, đầu vàng… gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi và ảnh hưởng đến sản lượng, giá trị xuất khẩu. Các tỉnh bị dịch bệnh nhiều nhất là: Sóc Trăng; Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau. Mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, nhưng nguyên nhân chính thức còn bỏ ngỏ và phác đồ điều trị vẫn chưa được xác định.

Năm 2012, xuất khẩu tôm chỉ đạt trên 2,2 tỷ USD - Ảnh: An Đăng

5. Cá tra, giảm toàn diện: Con cá tra là thế mạnh của ĐBSCL, nhưng năm 2012 lại lao đao cả đầu vào lẫn đầu ra. Diện tích nuôi giảm mạnh, giá cá thương phẩm nằm dưới giá thành sản xuất... khiến người nuôi nản, doanh nghiệp đuối sức, ao “treo” hàng loạt. Tại Đồng Tháp, có khoảng 80 ha ao nuôi đang bị “treo” và khoảng 400 doanh nghiệp phá sản. Tại An Giang, diện tích giảm hơn 300 ha so với cao điểm, hiện chỉ còn khoảng 800 ha; trước đây tỉnh có 17 doanh nghiệp và 23 nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra, nay chỉ còn khoảng ¼ đơn vị hoạt động gia công. Bên cạnh đó, giá cá tra năm 2012 chỉ xoay quanh con số từ 21.000 - 23.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Năng suất trung bình năm nay cũng giảm mạnh, còn 275 tấn/ha so với 305 tấn/ha (năm 2011).

6. Nhật Bản kiểm soát chặt chẽ Ethoxyquin: Trong vòng hơn 4 tháng, từ tháng 5 - 9/2012, Nhật Bản đã nâng tần suất kiểm tra chỉ tiêu Ethoxyquin từ 30% lên 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam mức giới hạn cho phép là 0,01 ppm. Từ mức tăng trưởng dương (từ 23 - 52%) của 5 tháng đầu năm, tôm Việt Nam xuất sang Nhật đã quay đầu giảm mạnh (từ -1,4% đến -16,6%) trong 6 tháng cuối năm. Đồng thời, tạo ra “tiền lệ xấu” khi từ cuối tháng 11/2012, Hàn Quốc cũng bắt đầu áp dụng kiểm tra Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam với mức dư lượng tối đa cho phép cũng là 0,01ppm. Điều này đã tạo thêm gánh nặng và áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam. Bởi Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 trong 5 thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiếm trên 35% tỷ trọng xuất khẩu tôm của Việt Nam.

7. Nhập khẩu nguyên liệu thủy sản tăng mạnh: Trong 5 năm qua, lượng và giá trị nhập khẩu nguyên liệu thủy sản của Việt Nam tăng mạnh. Nếu năm 2007 vào khoảng 247,7 triệu USD thì đến năm 2011 là 541 triệu USD, gấp 2,2 lần. Trong đó, trung bình 80 - 85% lượng nhập hàng năm dùng cho gia công và sản xuất xuất khẩu, đóng góp 10 - 14% giá trị kim ngạch xuất khẩu, tức là khoảng 400 - 900 triệu USD/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2012, Việt Nam đã nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ 69 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá trị gần 331 triệu USD (trong đó, bao gồm hàng trả về trên 13 triệu USD). Ước tính, nhập khẩu nguyên liệu thủy sản trong quý IV/2012 sẽ tăng 30% so với cùng kỳ, kim ngạch trung bình 65 - 70 triệu USD/tháng.

8. Tăng trưởng xuất khẩu chậm lại: Quý I/2012, xuất khẩu thủy sản đạt mức tăng trưởng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bước sang quý II, tốc độ tăng trưởng giảm, chỉ còn tăng 6% so với cùng kỳ, đạt 1,567 tỷ USD. Trong đó, tháng 6 đạt mức tăng trưởng thấp nhất - 1,3% do sự sụt giảm ở các mặt hàng chính như tôm (giảm 4%), cá tra (giảm 14,4%), nhuyễn thể (giảm 5,5%). Quý III, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng so với quý II (tăng 3,4%), nhưng lại giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,62 tỷ USD, khiến kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2011, đạt 4,5 tỷ USD. Sang quý IV, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,68 tỷ USD, tăng khoảng 3% so với quý III và giảm tới 5,7% so với cùng kỳ.

9. Doanh nghiệp thủy sản thiếu vốn: Tính đến quý III, đã có đến hơn 90% số doanh nghiệp mong muốn tăng hạn mức vay vốn, thấp nhất là 10 tỷ đồng, cao nhất lên đến 1.400 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra; 92,3% doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn khẩn cấp trong quý II/2012, trong đó mức thấp nhất là 10 tỷ đồng, cao nhất là 500 tỷ đồng để bổ sung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và thu mua nguyên liệu. Bên cạnh đó, 53,85% số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đầu tư cho hoạt động phát triển với mức thấp nhất là 2 tỷ đồng và cao nhất là 300 tỷ đồng để bổ sung đầu tư cho vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, trang bị máy móc, sửa chữa, bổ sung năng lực sản xuất... Mặt khác, việc ngân hàng chậm điều chỉnh lãi suất cũng khiến nhiều doanh nghiệp khó xoay sở.

10. Xu hướng sáp nhập doanh nghiệp và tái cơ cấu ngành: Theo VASEP, hiện nay chỉ khoảng 160 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra, giảm 30% số lượng so với năm 2011. Tính đến hết quý II, có 582 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản, giảm 275 doanh nghiệp so với năm ngoái. Số doanh nghiệp giảm mạnh là quá trình sàng lọc và đào thải, sáp nhập là xu thế tích cực trong bối cảnh hiện nay. Theo các chuyên gia kinh tế, ngành cần chủ động chuyển đổi theo chiều sâu. Các doanh nghiệp phải đóng vai trò quan trọng trong khâu vận hành chuỗi như: sản xuất con giống, thức ăn nuôi, nuôi, chế biến, xuất khẩu và phân phối theo hướng linh động, dưới sự điều tiết của thị trường. Các doanh nghiệp cần định hướng xây dựng lại hệ thống quản lý mới nâng cao năng lực cạnh tranh.


TSVN

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: