3 hình thức xi phông hiệu quả

Tuesday,
12/03/2019
0

Hiện nay, người nuôi ứng dụng xi phông rộng rãi nhờ mang lại hiệu quả cao. Trong đó, 3 hình thức phổ biến là sử dụng máy xi phông di động, máy đặt bờ và xi phông nhờ van tự động.

                                          Xi phông giúp loại bỏ chất thải ở ao nuôi tôm

Máy xi phông di động

Thường được sử dụng cho những ao có diện tích lớn (trên 2.500 m2), có thể thích hợp cho ao có đáy không bằng phẳng. Thời gian xi phông khoảng sau 2 - 3 tháng thả tôm nuôi, khi đáy ao tích tụ nhiều chất thải, các yếu tố môi trường có dấu hiệu vượt ngưỡng cho phép trong ao nuôi.

Dụng cụ để xử lý xi phông là 2 ống nhựa PVC có đường kính 10 - 20 cm, chiều dài 1 - 1,2 m nối với nhau thành chữ T. Ở đoạn trên đầu chữ T khoan nhiều lỗ nhỏ. Phần cuối chữ T đấu nối vào đầu hút nước của bơm ly tâm (có cánh quạt hút nước). Bơm ly tâm được nối với trục nối dài của motơ hay động cơ nổ dùng xăng. Hiện nay trên thị thường có rất nhiều loại máy bơm, người nuôi có thể lựa chọn và sử dụng sản phẩm chất lượng của những công ty uy tín.

Khi sử dụng phương pháp này, có nhiều ưu điểm cho người nuôi, cụ thể: Có thể hút được bùn của chất thải đồng thời tránh cho tôm bị hút vào khi bơm ly tâm hoạt động. Bùn và chất thải theo đầu chữ T và thoát ra ngoài theo ống thoát nước của bơm ly tâm. Dùng được cho nhiều ao, dùng được cho ao có diện tích lớn.

Trong khi xi phông, cần hạn chế sự xáo trộn đáy ao. Mỗi ngày chỉ xi phông một phần ở khu vực tập trung chất thải nhiều nhất nhằm hạn chế khí độc phát sinh sẽ gây ảnh hưởng đến tôm nuôi. Để thuận lợi nhất cho việc xi phông, người nuôi cần thiết kế ao nuôi và bố trí quạt nước sao cho chất thải gom vào một vài vị trí nhất định trong ao. Sau khi xi phông, cần bơm nước ở ao lắng đã qua xử lý vào ao nuôi để bù đắp lượng nước đã thoát ra ngoài. Các chất thải sau khi xi phông cần đưa vào nơi chứa chất thải nhất định tránh làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

 

Máy xi phông đáy ao đặt trên bờ

Áp dụng được ở những ao có hố gom chất thải, có thể dùng cho ao đất nhưng phải lót bạt phần hố xi phông hoặc ao nuôi lót bạt.

Đào một hố sâu khoảng 80 cm toàn bộ khu vực chất thải gom lại, sau đó lấy bạt trải hết đáy hố và thành hố. Phần mép bạt được cuộn vào thanh tre và chôn sâu khoảng 20 cm. Việc chỉ trải bạt hố xi phông không quá tốn kém mà vẫn hút sạch hoàn toàn chất thải nên công dụng không kém hố xi phông của ao trải toàn bộ bạt đáy. Đặt một mô tơ khoảng 2 - 3 HP trên bờ, lắp một ống PVC hoặc ống gân đường kính 60 nối từ mô tơ đến giữa ao để giúp bơm chất thải ra ngoài. Ống này nên đặt nổi cách mặt nước 20 - 30 cm. Phần đầu hút xi phông gắn vào ống gân mềm để dễ vận hành di chuyển toàn bộ khu vực hố. Phần chất thải đi từ mô tơ đến ao thải có thể dùng ống mềm (ống vải) để dễ cuộn lại, sử dụng cho nhiều ao. Trường hợp 2 ao tôm cạnh nhau, nên thiết kế một mô tơ đặt trên bờ chung để sử dụng cho 2 ao.

Khi bơm nước vào ao, bơm đầy hố xi phông ở giữa ao trước, sau khi bơm đầy hố, áp lực nước từ trên xuống sẽ ép bạt dính chặt xuống đáy và xung quanh hố khiến bạt không bị phồng lên. Có thể tiến hành xi phông cho ao khi tôm đạt kích cỡ từ 2 g trở lên. Dùng thuyền hoặc phao ngồi trên để di chuyển đầu xi phông toàn bộ hố. Khi thực hiện xi phông hằng ngày, đáy ao sẽ không bẩn, người nuôi có thể lội xuống đứng dưới ao xi phông mà không gây ảnh hưởng cho ao, khi đó cũng dễ kiểm tra mức độ sạch bẩn của đáy ao. Nên xi phông mỗi buổi sáng, thời gian xi phông chỉ khoảng 30 phút đến 1 giờ mỗi hố. Điều này giúp hạn chế được rất nhiều chất thải lắng tụ ở đáy ao, duy trì chất lượng nước và đặc biệt giảm được lượng vi sinh cần thiết; hoặc cũng với lượng vi sinh tương tự, nhưng hiệu quả của vi sinh được tốt hơn vì lượng chất thải trong ao ít hơn. Phần nước hao hụt mỗi lần xi phông khoảng 2% nước sẽ được bơm bù lại từ ao chứa đã được xử lý.

 

Xi phông nhờ van tự động

Phương pháp áp dụng hiệu quả và phổ biến ở những ao có diện tích dưới 2.500 m2; Ao có hố xi phông, ao lót bạt cả ao hoặc đổ bê tông cho hố; Với ao nuôi có đáy ao cao hơn hệ thống thoát nước và kênh xử lý chất thải.

Với hệ thống này không cần sử dụng động cơ bơm ly tâm vì áp lực nước sẽ đẩy chất thải ra ngoài đáy ao hệ thống cống rãnh mà không cần bất kỳ lực tác động.

Hố xử lý chất thải phải đủ rộng để gom chất thải và thường có dạng nón cụt. Từ miệng hố đến đáy hố cách nhau khoảng 0, 5 - 0, 8 m và đường kính D = 1,5 - 2 m cho ao từ 2000 m2 đến 2500 m2. Giữa hố có ghép nối với 1 ống nhựa PVP phi 75 có bịt lưới đầu ống đủ để hút bùn đáy và ngăn tôm lọt qua ghép nối với đường ống hút nên chôn dưới lòng đất để không bị ảnh hưởng lúc cải tạo. Cuối ống nhựa lắp 1 van để xả thải. Thời gian cuối vụ nuôi, cần hút sạch bùn trong đường ống tránh tình trạng bùn đọng lúc phơi khô ống sẽ có khả năng bị tắc nghẽn.

Tùy theo mật độ tôm nuôi và lượng chất thải trong ao mà người nuôi bố trí lịch xi phông đáy ao cho phù hợp. Một ngày rút 2 hoặc 3 lần, mỗi lần chỉ 1 - 2 phút. Sau đó phải bù lượng nước đã mất cho ao tôm.

Hiện, nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp áp dụng biện pháp làm hố xi phông để xử lý chất thải trong ao nuôi, nâng năng suất tôm nuôi bình quân của hộ tăng trưởng tốt. Với hệ thống này, việc hút bùn và các chất lắng đọng khác ở đáy ao nuôi tôm trở nên dễ dàng hơn.

>> Xi phông là phương pháp loại bỏ chất thải trong ao một cách an toàn và hiệu quả. Từ đó giúp cải thiện chất lượng nước ao, giảm chi phí, hạn chế dịch bệnh và nâng cao năng suất tôm nuôi.

Nguồn: Tổng hợp

 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: