4 rào cản quy hoạch nuôi tôm

Thursday,
08/02/2018
0

Hiện nuôi tôm rất phù hợp điều kiện sinh thái Việt Nam. Tuy nhiên, nghề này còn khá mới, chủ yếu tự phát. Vấn đề quy hoạch nuôi tôm theo hướng phát triển bền vững vẫn gặp nhiều rào cản.


Chưa có quy hoạch tổng thể

Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), nhưng sự phát triển của ngành này chưa tương xứng.

Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến đầu tháng 6/2013, diện tích nuôi tôm đã thả giống là 570.348 ha, bằng 92,4% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó nuôi tôm sú 552.337 ha (bằng 91,4%), nuôi tôm thẻ chân trắng 18.011 ha (bằng 143,0%). Diện tích thả nuôi tôm nước lợ tại các tỉnh ĐBSCL là 542.197 ha, bằng 95,1% diện tích thả nuôi cả nước; trong đó diện tích nuôi tôm sú 529.493 ha, tôm thẻ chân trắng 12.704 ha. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng diện tích NTTS trong khi quy hoạch tổng thể chưa rõ ràng, vượt quá điều kiện cơ sở vật chất, công nghệ, trình độ quản lý, kỹ thuật, cộng với công tác chỉ đạo chưa rõ ràng nên nhiều địa phương còn lúng túng khi thực hiện, một số nơi chưa có quy hoạch tổng thể hoặc chưa có quy hoạch chi tiết từng vùng nuôi tôm, hoặc đã quy hoạch nhưng hoạt động kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, ở một số tỉnh, công tác kiểm dịch, kiểm tra chất lượng con giống còn nhiều bất cập, chưa chủ động sản xuất được tôm giống sạch bệnh, thiếu công nghệ quản lý môi trường theo hướng bền vững, cộng với hạn chế trong đầu tư hệ thống thủy lợi, những yêu cầu về cấp nước, thoát nước. Công nghệ nuôi nhìn chung còn lạc hậu, nuôi quảng canh truyền thống vẫn là chủ yếu, năng suất đạt thấp, chưa đáp ứng được nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Diện tích nuôi tôm chủ yếu là tự phát - Ảnh: Phan Thanh Cường
 

Ứng dụng khoa học công nghệ chưa cao

Việc sản xuất tôm giống chưa được ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) còn phổ biến. Hiện nay sản xuất tôm giống tại Việt Nam vẫn phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài và đánh bắt tự nhiên. Gia hóa tôm bố mẹ được tiến hành từ năm 2010 tại Công ty TNHH Việt - Úc và một số viện nghiên cứu cũng thử nghiệm nhưng hiện nay vẫn chưa có kết quả. Trong khi đó, do khan hiếm nguồn tôm bố mẹ, nhiều cơ sở sản xuất giống đã mua tôm bố mẹ không bảo đảm chất lượng để thả nuôi, dẫn đến tình trạng con giống kém chất lượng.

Hơn nữa, với tốc độ phát triển quá nhanh, người nuôi chỉ chạy theo phong trào mà chưa áp dụng công nghệ nuôi cụ thể, thiếu kinh nghiệm, hoặc những người có kinh nghiệm, những mô hình nuôi hiệu quả lại chưa được phổ biến rộng rãi, nên quá trình nuôi còn tự phát, nhỏ lẻ, thiếu khoa học.

Thiếu vốn

Thiếu vốn luôn là rào cản đối với người nuôi, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Nuôi tôm cần nguồn vốn lớn đầu tư cơ sở hạ tầng, duy trì quá trình nuôi. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước và địa phương không đủ triển khai các mục tiêu phát triển chung. Người nuôi thiếu vốn, nhưng các kênh tín dụng cho nuôi tôm thường hạn hẹp và khó vay do những điều kiện còn ngặt nghèo, ngân hàng đánh giá nghề nuôi tôm còn tiềm ẩn nhiều rủi ro… Thiếu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và chi phí sản xuất khiến việc sử dụng đầu vào đều chất lượng thấp, dẫn đến nguy cơ phát triển dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất. Trong quá trình nuôi tôm, tình trạng "xù" bảo hiểm còn diễn ra phổ biến, có đơn vị bảo hiểm đã thu phí của người mua sau 1 - 2 tháng nhưng đơn phương thông báo hủy hợp đồng, trong khi người dân đã đầu tư con giống, thức ăn vào sản xuất hoặc một số hộ có tôm nuôi bị chết nhưng bảo hiểm không bồi thường…, khiến cho vốn của các hộ nuôi càng thiếu hụt. Tại Bạc Liêu, 6 tháng đầu năm 2013, Công ty Bảo Việt Bạc Liêu đã xem xét bồi thường bảo hiểm tôm nuôi 1.270 ha, với 1.347 hộ, tổng số tiền bồi thường hơn 209 tỷ đồng; trong đó, diện tích thiệt hại đã được giải quyết bồi thường 841 ha, với 979 hộ, số tiền đã bồi thường hơn 108,8 tỷ đồng.

 

Quản lý môi trường

Khí hậu diễn biến thất thường; mưa lớn trái mùa trên diện rộng, nắng nóng gay gắt hơn…, đã tác động xấu đến môi trường, làm phát sinh dịch bệnh, nhất là loại hình nuôi tôm công nghiệp. Môi trường nuôi tôm đã ô nhiễm, cộng với dịch bệnh khiến tôm chết nhiều, trong khi việc xử lý hóa chất chỉ đáp ứng phần nhỏ, nên nguồn nước xả ra tự nhiên càng ô nhiễm hơn. Vấn đề môi trường trong nuôi tôm bắt nguồn từ việc phát triển nuôi tràn lan, thiếu quy hoạch. Các hộ nuôi phát triển tự phát, không theo định hướng, khiến những quy định đánh giá tác động môi trường của Chính phủ cũng chưa thể điều chỉnh được.

Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 6/2013, diện tích tôm sú và tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại khoảng 23.938 ha, chiếm 4,2% diện tích thả nuôi, bằng 65% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, diện tích tôm sú bị thiệt hại 20.857 ha (chiếm 3,8% diện tích thả nuôi, bằng 63,8% so cùng kỳ năm 2012), tôm thẻ chân trắng 3.081 ha (chiếm 17,1% diện tích thả nuôi, bằng 124,9% so cùng kỳ năm 2012). Những thiệt hại này không chỉ ảnh hưởng tới nguồn vốn của người dân mà còn tác động xấu tới môi trường; công tác xử lý ao nuôi, bảo vệ môi trường vẫn đặt ra nhiều thách thức trong nuôi tôm.

>> Điều quan trọng với công tác quy hoạch trong nuôi tôm phát triển bền vững là phải tiến hành quy hoạch trên cơ sở điều tra kỹ lưỡng về hệ sinh thái, điều kiện môi trường khu vực nuôi. Ý thức được vấn đề phát triển NTTS với bảo vệ môi trường và có chính sách đúng đắn, phù hợp sẽ giảm thiểu được thiệt hại.
 

Theo Thủy sản Việt nam

 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: