Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu tôm lớn trên thế giới. Cùng đó, con tôm luôn có tốc độ tăng trưởng đáng kể, thậm chí đột biến ở nhiều giai đoạn. Thế nhưng, vẫn được đánh giá là phát triển thiếu bền vững. Vì sao vậy? Để đánh giá chính xác những vấn đề này, hãy cùng mổ xẻ qua 5 góc nhìn.
Góc nhìn doanh nghiệp
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm, năm 2016, con tôm Việt Nam vẫn sẽ thuận lợi dù chưa hết thách thức, trong đó điển hình vẫn là tỷ giá và hàng rào kỹ thuật các nước dựng lên. Tuy nhiên, chúng ta vẫn rất rộng cửa, chỉ có điều, phải giải quyết xong vấn đề nội tại. Tức là kiểm soát được dư lượng kháng sinh, hóa chất để tạo ra những con tôm “sạch”. Bởi chỉ cần tôm “sạch” thì doanh nghiệp bán đâu cũng được.
Cùng đó, giá cả cũng là vấn đề vẫn rất “nóng”. Từ năm 2015, việc nhiều nước xuất khẩu tôm liên tục phá giá đồng nội tệ khiến con tôm Việt Nam ra thế giới càng trở nên đắt đỏ. Điều này càng khiến tôm nước ta hụt hơi trong cuộc đua về giá trên thị trường. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm lúc này không phải tỷ giá, vì nó ở tầm vĩ mô mà doanh nghiệp không tự quyết định được. Điều cần làm ở đây là giải quyết về chi phí giá thành. Bởi, hiện tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam rất thấp trong khi chi phí đầu vào cao nên giá nguyên liệu đắt hơn nhiều nước.
Góc nhìn nhà quản lý
Tìm giải pháp giúp ngành tôm vượt khó khăn đang là mục tiêu mà các nhà quản lý đặt ra lúc này. Bởi, 2016 tiếp tục là một năm nhiều gian nan của con tôm, đặc biệt là tại khu vực ĐBSCL với tình trạng hạn, mặn nghiêm trọng.
Vấn đề “nóng” nữa của ngành tôm là ô nhiễm. PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp cho biết, một số khí thải như CO2, CH4, N2O thải ra môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp ở mức cao đang góp phần vào hiện tượng nóng lên của toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của con người. Để cải thiện, với lĩnh vực thủy sản, cần áp dụng các mô hình nuôi trồng thân thiện môi trường, nuôi sinh thái, không sử dụng hóa chất, kháng sinh…
Cùng đó, chất lượng con giống cũng phải có sự can thiệp mạnh và nhanh. Với những người nuôi lớn, vốn lớn thì khác, còn đa phần nông dân nuôi tôm mua giống đều chỉ biết trông chờ may rủi.
Nghề nuôi tôm ngày càng được mở rộng - Ảnh: Huy Hùng
Góc nhìn chuyên gia
Nuôi tôm đang gặp nhiều khó khăn nhưng vì sao người nuôi tôm mỗi năm lại tăng chứ không giảm? Câu trả lời duy nhất là nghề này cho lợi nhuận rất đáng kể. Tuy nhiên, nuôi như thế nào, nuôi bao nhiêu thì cần phải cân nhắc, theo ông Trương Hữu Thuận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Việt (Bình Thuận) thì người nuôi cần biết phạm vi ranh giới của chính mình.
Mấy năm trở lại đây, nhiều người dân ồ ạt chạy theo tôm thẻ chân trắng. Họ lao vào nuôi công nghiệp, thả mật độ dày đặc, mà không nhận ra rằng, mật độ đó chỉ dành cho các cơ sở đầy đủ vật chất, kỹ thuật cao, tiềm lực mạnh. Còn bà con nông dân, chạy theo như vậy là quá sức, dẫn tới phải cầm cố tài sản, vay nặng lãi…
Hơn nữa, trong nuôi tôm, quan trọng nhất là quản lý tốt các yếu tố môi trường nước trong ao, đầm. Nếu giữ được sự ổn định các yếu tố nhiệt độ, độ mặn, pH, độ kiềm, ôxy hòa tan… trong ngưỡng thích hợp sẽ giúp tôm phát triển tốt.
Nông dân - Cái khó ló cái khôn
Theo thống kê 8 tỉnh ĐBSCL, có đến 81.413 ha tôm nuôi bị thiệt hại, gấp 4 lần so cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân do nắng hạn và độ mặn tăng cao. Nặng nhất là các mô hình nuôi tôm - lúa. Tuy nhiên, cái khó ló cái khôn, trong khi chờ giải quyết ở thượng tầng, nhiều người nông dân đã có nhiều sáng tạo để vượt qua sự khắc nghiệt của thiên tai.
Tại Kiên Giang, nắng hạn, nước mặn nhập sâu vào nội đồng không thể trồng lúa, nhiều nông dân ở các huyện U Minh Thượng đã trồng một số loại cỏ ưa mặn như lông công, đuôi phụng, năn tượng… để nuôi tôm. Kết quả cho thấy, môi trường được cải thiện, tôm nuôi rất ít xảy ra dịch bệnh và mau lớn. Theo những nông dân ở khu vực này thì trồng cỏ trong vuông tôm giúp cải tạo được môi trường, làm giảm nhiệt độ nước khi nắng nóng và là nơi trú ngụ an toàn cho tôm, đồng thời tạo nguồn thức ăn tự nhiên, giảm chi phí đầu tư.
Góc nhìn nhà báo
Thiếu thông tin vẫn luôn là điểm yếu của người nuôi tôm. Điều này khiến họ dễ dàng “chạy” theo các “tư vấn” để sử dụng hóa chất, kháng sinh mất kiểm soát hay ào ạt mở rộng diện tích trong khi thiếu liên kết với các doanh nghiệp khiến “cung vượt quá cầu” nên không thoát được tình cảnh “được mùa mất giá”.
Thời gian qua, nông dân các tỉnh ĐBSCL phải vật lộn với thời tiết để tìm cách cứu lấy con tôm. Nắng nóng làm cho tôm nuôi chậm lớn và mắc phải nhiều bệnh như hoại tử gan tụy, phân trắng, đục cơ… nên nhiều hộ nuôi tôm đứng ngồi không yên vì tôm chết có chiều hướng lan rộng. Nhiều dầm phải bỏ trắng vì bà con không dám thả nuôi bởi sợ thất bại.
Một thực tế khiến người nuôi tôm phải bỏ cuộc là dịch bệnh phát sinh cao, nhưng các giải pháp phòng chống gần như chưa phát huy hiệu quả. Tôm bị thiệt hại không chỉ gây khó cho sản xuất của bà con, mà còn tác động xấu đến môi trường. Nguy hại nhất là nạn xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, phát tán dịch bệnh, rồi cái vòng luẩn quẩn giữa xả nước và người lấy nước vào nuôi tôm không có hồi kết.
Con tôm trong thời điểm hạn hán và xâm nhập mặn đang khiến cho người dân ven biển ĐBSCL có nguy cơ tái nghèo, nợ nần tăng, thậm chí phải cầm cố đất đai, bỏ xứ làm thuê làm mướn… Hơn lúc nào hết, người nuôi tôm rất cần sự hỗ trợ đặc thù và kịp thời của Nhà nước, nhất là vốn vay ngân hàng để tái đầu tư sản xuất.
Thủy sản Việt Nam