10 tháng năm 2015, diện tích tôm thẻ chân trắng ước đạt 82.034 ha, giảm 3,9% so cùng kỳ năm 2014, sản lượng ước đạt 250.897 tấn, giảm 4,2%. Một số tỉnh có diện tích và sản lượng TTCT giảm mạnh như Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang…
Tiền Giang
Dịch bệnh liên tục xảy ra, giá tôm giảm sâu, trong khi đó, chi phí thức ăn, con giống… tăng mạnh dẫn đến diện tích nuôi tôm giảm liên tục. Ngoài ra, nhiều hộ nuôi TTCT của tỉnh đã chuyển sang ương cá tra giống để mong có nguồn thu ổn định hơn. Theo đó, 10 tháng năm 2015, diện tích TTCT của tỉnh chỉ đạt 2.016, giảm 32,3% so cùng kỳ năm 2014. Vì vậy, sản lượng tôm TTCT cũng giảm 24,2% so cùng kỳ năm 2014, đạt 8.934 tấn. Hiện vào những tháng cuối năm, giá tôm “đảo chiều” tăng lại song người nuôi vẫn chưa mặn mà thả nuôi trở lại.
Trà Vinh
Một thời gian, TTCT phát triển ồ ạt ở ĐBSCL trong đó có Trà Vinh. Người dân không tuân thủ quy hoạch dẫn đến nhiều hệ lụy: sự cạnh tranh gay gắt giữa hai loại tôm nội và ngoại, môi trường ngày một ô nhiễm trước tác động bất lợi của biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, đến nay, TTCT đã không còn "nóng" như vài năm trước bởi nhiều khó khăn dồn dập (dịch bệnh, giá cả, thị trường). 10 tháng năm 2015, diện tích TTCT của tỉnh Trà Vinh giảm 10% so với năm trước, đạt 4.634 ha; sản lượng TTCT đạt 19.687 tấn, giảm 11,5%. Hiện, ngành nông nghiệp Trà Vinh khuyến cáo nông dân chỉ phát triển mô hình nuôi TTCT ở những vùng hội đủ điều kiện về nguồn điện, hệ thống thủy lợi tốt, giao thông thuận lợi.
Sóc Trăng
Là một trong những tỉnh nuôi tôm trọng điểm vùng ĐBSCL có diện tích và sản lượng TTCT giảm mạnh. Cụ thể, 10 tháng năm 2015, diện tích TTCT của tỉnh Sóc Trăng đạt 24.810 ha, giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2014; trong khi sản lượng 46.000 tấn, giảm 6,6%. Có nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình nuôi tôm nói chung và TTCT nói riêng của nông dân các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng, các địa phương tập trung phát triển hạ tầng thủy lợi cho vùng nuôi, đảm bảo thông thoáng, giúp cho vụ nuôi tôm đạt hiệu quả cao nhất.
Bạc Liêu
Theo Sở NN&PTNT Bạc Liêu, chỉ một vài năm trước diện tích thả nuôi TTCT đã vượt khỏi tầm kiểm soát và quản lý của ngành nông nghiệp tỉnh, trong đó có những địa phương tăng mạnh như ở huyện Hồng Dân, Phước Long… Đáng báo động là diện tích nuôi TTCT đã xâm nhập vào vùng nuôi tôm truyền thống. Tuy nhiên, với những khó khăn chung của ngành tôm, đến nay diện tích TTCT của tỉnh chỉ đạt 5.475 ha, giảm 33,3% so cùng kỳ năm 2014; sản lượng 16.904 tấn, giảm 6,6%.
Kiên Giang
10 tháng, diện tích nuôi TTCT của tỉnh đạt 1.764 ha, giảm 7,9% so cùng kỳ 2014, sản lượng đạt 10.301 tấn, giảm 27%. Từ nay đến cuối năm, tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư hệ thống dẫn nước mặn vào khu vực Đồng Hòa, nạo vét các kênh thủy lợi trọng yếu bị cạn để vừa đảm bảo cung cấp nước cho nuôi tôm, vừa vận chuyển vật tư, hàng hóa; mở rộng và nâng cấp cống Cây Me. Tỉnh rà soát hệ thống lưới điện, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp đảm bảo đủ tải phục vụ nuôi tôm công nghiệp; kiểm soát và phòng tránh dịch bệnh phát sinh lây lan gây hại tôm nuôi.
Theo Thủy sản Việt Nam