Theo Bộ Công thương, tình hình xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt kết quả tích cực, xuất khẩu tăng 14,1% so với cùng kỳ. Việt Nam tiếp tục xuất siêu khoảng 1,7 tỷ USD, góp phần bảo đảm dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo đó, trong 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,98 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với tăng 11,99 tỷ USD). Xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực này tăng 11,1%, kim ngạch nhập khẩu tăng 13,4% so với cùng kỳ.
Các mặt hàng có sự đóng góp chủ yếu của các doanh nghiệp FDI gồm điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 99,6% tổng kim ngạch mặt hàng này của cả nước); máy vi tính linh kiện và điện tử (98,5%); giầy dép (76,5%); hàng dệt may (59,7%); máy ảnh (96%).
Cơ cấu hàng xuất khẩu đa dạng. Kim ngạch xuất khẩu tất cả các nhóm hàng đều đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2013, trong đó: nhóm hàng công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng cao nhất (tăng 15,1% so với cùng kỳ, tương đương với 9,2 tỷ USD). Xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản tăng 11,8% so với cùng kỳ (nhiều mặt hàng có mức tăng cao như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, rau quả).
Bên cạnh đó, trong 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 95,29 tỷ USD, tăng 12,0% so với cùng kỳ năm 2013.
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 88,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Một số mặt hàng như nông sản, quặng và khoáng sản, khí đốt hóa lỏng, nguyên liệu dược phẩm, gỗ và sản phẩm có mức tăng tương đối lớn, do nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp vào thời điểm gần cuối năm tăng cao.
Tuy nhiên, ở nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu như rau quả, linh kiện phụ tùng ô tô, điện thoại di động có mức tăng cao (hơn 30%) so với cùng kỳ.
Theo Báo Hà Nội mới