Ấn Độ: Kinh nghiệm ương tôm trong ao nuôi thương phẩm

Monday,
21/10/2019
0

Tại Andhra Pradesh, kết hợp ương tôm trực tiếp trong ao thương phẩm cho tỷ lệ sống cao và vụ mùa thành công. Xu hướng này đang thịnh hành, và dần thay thế dần xu hướng thả nuôi tôm post.

Cách thức nuôi tôm phổ biến nhất tại Ấn Độ và các vùng khác thuộc châu Á là thả trực tiếp tôm post (PL8 - PL15) vào trong ao. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát thường xuyên dẫn đến tỷ lệ sống rất thấp và vụ nuôi thất bát nên nông dân Ấn Độ đã tìm ra giải pháp thay thế tôm post. Họ thường chọn tôm post PL28 đến PL45 (sau 20 - 30 ngày của pha ương). Theo xu hướng này, gần đây nhiều hệ thống ương tôm đã được phát triển và mở rộng ngay tại trại nuôi thương phẩm/trại giống hoặc trại ương độc lập. 

Hiện nay, người nuôi tôm tại Ấn Độ cho rằng ương tôm không phải là “liều thuốc” giải quyết được bách bệnh của ngành tôm. Theo họ, pha ương chỉ tác dụng hỗ trợ như giúp ngành tôm tạo dựng một nền móng vững chắc để phát triển bền vững. Hơn 2 năm qua, nhóm chuyên gia tại Công ty Sinh học biển Vaisakhi tại Ấn Độ đã đầu tư nghiên cứu mô hình ương tôm lý tưởng trong ao ngay tại trại nuôi gần làng Adaripeta, Tuni, phía đông quận Godavari, bang Andhra Pradesh. Trước đó, nhóm nghiên cứu này cũng đã thực hiện dự án ương tôm trong ao thương phẩm ngay tại trang trại và tuân thủ theo các tiêu chuẩn thiết kế riêng cho trại ương, gồm quản lý nước và thức ăn.

 

Lợi ích của ương tôm

Lợi ích của ương tôm thể hiện ở 2 khía cạnh: kỹ thuật và quản lý. Lợi ích kỹ thuật rất đa dạng, gồm nâng cao an toàn sinh học, kiểm soát mật độ nuôi ban đầu (ISD), giảm thiểu dịch bệnh và kiểm soát tốt hơn tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR). Nói chung, nếu có sự quản lý và chuẩn bị ao nuôi tốt hơn thì sẽ tạo môi trường đáy ao sạch bệnh, lượng tích tụ chất hữu cơ cũng như lượng vi khuẩn hình thành thấp hơn. Chất lượng tôm giống cũng có thể được kiểm soát tốt hơn sau khi kiểm tra ở giai đoạn tôm con (juveline) cùng một số giải pháp tăng cường dinh dưỡng bằng phụ gia thức ăn chức năng và chế phẩm sinh học.

Tôm có thể tăng trưởng bù (kích thước của tôm lúc thu hoạch cuối pha ương nhỏ hơn tương đối so với tôm cùng độ tuổi được thả trực tiếp vào ao thương phẩm do mật độ thả nuôi cao trong pha ương). Tuy nhiên, sau khi chuyển tôm từ trại ương vào ao, tôm con lớn nhanh hơn so tôm post thả trực tiếp trong ao thương phẩm. Suốt tháng đầu tiên và tháng thứ 3 của quá trình nuôi thương phẩm, nhờ “tăng trưởng bù” nên tôm con vượt trội về tốc độ tăng trưởng và kích cỡ. Về góc độ quản lý, pha ương cho phép sử dụng thời gian, không gian, con giống và các nguồn lực khác hiệu quả. Nhìn chung, người nuôi hoàn toàn có thể kiểm soát được chi phí sản xuất và hoạt động nuôi tôm hiệu quả.

Để ương tôm thẻ chân trắng trong ao tại trại nuôi, nông dân Ấn Độ đã sử dụng 10 ao lót bạt HDPE, diện tích 1.000 m²/ao, sâu 1,8 m. Giai đoạn ương tôm trong mỗi ao sẽ kéo dài 30 - 41 ngày. Trong 2 năm cuối, riêng Công ty Vaisakhi đã sản xuất trên 72 triệu tôm con (0,5 - 1 g) trong pha ương từ 24 ao.

 

Tăng trưởng và tỷ lệ sống

Công ty Vaisakhi đã theo dõi tăng trưởng, tỷ lệ sống cũng như tỷ lệ thành công của vụ nuôi và so sánh những số liệu thu được trong 50 ao nuôi tôm con theo mật độ 30 - 36 PL/m² và 20 ao nuôi tôm post (PL12) theo mật độ 30 - 36 PL/m².

Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng ngày (ADG) tôm post và tôm con được minh họa trong hình 1. Vụ nuôi đầu tiên của năm 2018, Vaisakhi quan sát ADG đạt 0,203 g trong những ao thương phẩm thả tôm con. ADG của tôm post thả trực tiếp vào ao thương phẩm chỉ đạt 0,17 g. Tuy nhiên, từ vụ nuôi nửa cuối năm 2018, ADG của tôm con đã giảm xuống 0,18 g. Còn ở ao thả tôm post, ADG thậm chí thấp hơn, chỉ đạt 0,15 g. Suốt giai đoạn nuôi thương phẩm năm 2019, tôm tăng trưởng chậm hơn; ADG đạt 0,15 g và 0,12 g lần lượt với tôm con ở pha ương và tôm post thả trực tiếp. Đây là điều mà các chuyên gia tại Vaisakhi vẫn chưa giải thích được. Sau 135 ngày nuôi, tỷ lệ sống của tôm trong ao thả tôm con đạt 82%, cao hơn không đáng kể so tỷ lệ 80% của ao thả trực tiếp tôm post.

                                                                        Hình 1

Tiết kiệm chi phí

Theo quan điểm an toàn sinh học, một hệ thống ương tôm trong nhà vẫn lý tưởng nhất. Tuy nhiên, nông dân Ấn Độ lựa chọn hình thức ương tôm trong ao thương phẩm vì chi phí xây dựng một hệ thống ương tôm trong nhà cực kỳ tốn kém; và trước khi cân nhắc những khoản đầu tư khủng vào một hệ thống ương tôm, còn phải tiêu chuẩn hóa cách thức hoạt động của hệ thống ương đó, gồm quản lý nước và thức ăn.

Chi phí đầu tư cho 1 ha diện tích mặt nước (WSA) khoảng 15.122.424 INR (214.286 USD). Do đó, chi phí vận hành ao ương khoảng 1,5 triệu INR. Nếu tính cả chi phí thuê đất thì tổng đầu tư có thể lên đến 15 triệu INR/4 ha. Tổng chi phí đầu tư gồm cả chi phí đất cho 1 ha diện tích mặt nước khoảng 30.122.424 INR. Điều này có nghĩa, chi phí hoạt động mỗi ao ương xấp xỉ 3 triệu INR.

Chi phí sản xuất tôm con trong một vụ nuôi khoảng 7,14 USD/1.000 tôm con. Mỗi hệ thống ương hoạt động được khoảng 5 năm (sản xuất 10 chu kỳ), nên chi phí đầu tư nuôi tôm con trong suốt 5 năm chỉ 0,05 INR (0,71 USD/1.000 tôm con). Trong mô hình ương tôm trong ao, nông dân Ấn Độ cũng nhắm đến các mục tiêu: không sử dụng kháng sinh, thường xuyên sử dụng cám gạo lên men và chế phẩm sinh học; thường xuyên sử dụng chất khoáng và vôi sống; thường xuyên trao đổi nước, hút bùn đáy ao, cung cấp ôxy cho đáy ao. 

 >> Sản lượng tôm Ấn Độ năm nay được dự báo giảm 30%. 2019 là một năm tồi tệ nhất từ trước tới nay của ngành tôm thẻ chân trắng Ấn Độ từ khi được hình thành cách đây 10 năm. Hàng loạt vấn đề xảy ra với ngành tôm, phần lớn do kỹ thuật nuôi và dịch bệnh.

Nguồn: Thủy sản Tép bạc

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: