An toàn nuôi tôm mùa mưa, lũ

Monday,
30/09/2019
0

Những cơn mưa liên tục kèm theo nguy cơ lũ lụt là nguyên nhân gây phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tôm nuôi. Kinh nghiệm quản lý môi trường ao nuôi trong mùa mưa, lũ là vô cùng quan trọng để góp phần đưa tôm nuôi vượt qua dịch bệnh, phát triển tốt.

Mưa lũ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tôm nuôi

 

Quản lý môi trường

Ổn định pH: Thông thường, pH trong ao tôm ở mức 7,5 - 8,5. Mưa lớn kéo dài, do tính chất axit của nước mưa cộng thêm quá trình rửa trôi phèn từ bờ xuống ao tôm làm cho pH môi trường ao tôm giảm. Do đó, để hạn chế tình trạng này, người nuôi cần theo dõi thông tin thời tiết, bón vôi trước và trong những trận mưa kéo dài. Rải vôi dọc theo bờ ao khi trời mưa với liều lượng 10 kg/100 m2. Nếu pH thấp, sử dụng vôi nông nghiệp CaCO3 liều lượng 10 - 20 kg/1.000 m3 nước ao tùy giá trị pH đo được (chạy quạt để trộn đều nước), xử lý từ từ cho đến khi pH nằm trong ngưỡng cho phép (từ 7,5 trở lên).

Kiểm soát độ kiềm: Tôm sú có độ kiềm thích hợp là 85 - 130 mg/l; tôm thẻ chân trắng nằm trong khoảng 100 - 150 mg/l. Sau mưa, độ kiềm ao nuôi có xu hướng giảm, vì vậy, cần dùng vôi Dolomite ngâm vào nước ngọt trong 24 giờ, sau đó tạt đều xuống ao vào 8 - 10 giờ đêm với mức 1,655 g vôi Dolomite sử dụng cho cho 1 m3 nước sẽ tăng độ kiềm lên 1 mg/l. Ví dụ: muốn tăng độ kiềm của ao tôm 3.000 m3 từ 80 lên 90 mg/l thì cần 3.000 × 1,655 × (90 - 80)/1.000 = 46,65 kg. Lưu ý, mỗi lần tăng độ kiềm chỉ nên tăng khoảng 10 mg/l, bởi nếu độ kiềm tăng quá nhanh sẽ làm tôm bị sốc, sức đề kháng giảm.

Ngăn chặn nước ao bị đục: Nguyên nhân làm nước ao tôm bị đục là do các chất hữu cơ, hạt sét bị nước mưa cuốn trôi từ trên bờ xuống ao tôm. Nước đục sẽ làm hạn chế khả năng quang hợp của tảo làm tôm thiếu ôxy, tảo thường tàn đột ngột, tôm bị đen mang, vàng mang do bị những vật chất lơ lửng trong nước bám vào mang tôm. Để khắc phục tình trạng này, có thể sử dụng muối vô cơ như nhôm sunfat (Al2(SO4)3) hoặc  thạch cao để làm trong nước. Sau khi nước giảm đục, cần tiến hành gây màu tảo để tạo môi trường ổn định cho tôm nuôi.

Ngoài ra, khi xuất hiện những cơn mưa lớn cần tăng cường chạy quạt nước để tránh sự phân tầng nhiệt độ, cung cấp thêm ôxy và tăng nhiệt độ nước. Sau những cơn mưa, phải đảm bảo mực nước ao nuôi tôm ổn định ở mức 1,2 - 1,5 m. Khi mực nước ao tôm cao do nước mưa, tiến hành xả bớt lượng nước tầng mặt để duy trì mực nước trong ao, đồng thời tránh làm giảm độ mặn đột ngột, tràn bờ, vỡ cống bọng. Khi mưa chấm dứt vài ngày, thời tiết nắng, tạo điều kiện vi khuẩn có hại phát triển, cần diệt khuẩn để giảm bớt mầm bệnh. Cấy vi sinh lại sau 2 ngày kết hợp với quạt nước, máy bơm, tăng cường hàm lượng ôxy hòa tan, kích thích vi khuẩn có lợi trong ao phát triển, ức chế vi khuẩn có hại, tăng cường phân hủy chất hữu cơ, hạn chế hiện tượng tảo phát triển quá mức.

 

Quản lý cho ăn

Khi thời tiết âm u kéo dài, có dấu hiệu sắp mưa cần giảm lượng thức ăn hoặc có thể ngưng cho ăn. Thông thường ở 180C, tôm vẫn có thể bắt mồi nếu nhiệt độ giảm xuống từ từ hoặc đây là nhiệt độ hằng ngày trong mùa lạnh và lượng thức ăn chỉ 10 - 20% so với nhu cầu bình thường. Mỗi khi nhiệt độ giảm đi khoảng 20C thì lượng thức ăn giảm khoảng 30%. Nên kiểm tra nhiệt độ nước trong ao trước khi cho tôm ăn. Tôm ngừng ăn khi nhiệt độ giảm đột ngột từ mức thích hợp (280C - 300C) xuống 220C. Lưu ý, đảm bảo lượng thức ăn không được dư thừa, vì chính nó là nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường nước, dẫn đến sự nở hoa của tảo, tăng khí độc…

Bên cạnh đó, khi mưa kéo dài, tôm nuôi có thể bị mềm vỏ, khó lột xác do độ kiềm giảm thấp. Để khắc phục tình trạng này ngoài việc dùng Dolomite thì cần cho tôm ăn thức ăn chất lượng cao, trộn các loại Vitamin C, Vitamin tổng hợp và khoáng chất vào thức ăn hàng ngày để tăng sức đề kháng cho tôm.

Nguồn: Con tôm

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: