Ảnh hưởng sốc độ mặn trong giai đoạn thả giống tôm sú

Wednesday,
25/09/2019
0

Nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc thay đổi độ mặn lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm sú (Penaeus monodon), nhóm tác giả Huỳnh Thanh Tới, Nguyễn Thị Hồng Vân (Khoa Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ) đã thực hiện nghiên cứu về ảnh hưởng của sốc độ mặn trong giai đoạn thả giống lên sinh trưởng của tôm sú ương theo công nghệ Biofloc.

Tôm sú (Penaeus monodon Fabricius, 1798) là loài có kích thước lớn, thịt ngon, thích ứng rộng với môi trường nuôi, lớn nhanh và có giá trị xuất khẩu cao nên tôm sú được chọn là đối tượng nuôi phổ biến của nghề nuôi tôm biển ở Việt Nam đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2014, sản lượng tôm sú nuôi của Việt Nam là 260.000 tấn trên diện tích nuôi 590.000 ha, diện tích nuôi chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng Nam Bộ chiếm 93% so với diện tích cả nước và đạt 84,4% tổng sản lượng cả nước (Tổng cục Thủy sản, 2014). 

Hiện nay nuôi tôm 2 giai đoạn đã được áp dụng trong nuôi tôm thâm canh, giai đoạn ương là để tạo ra con giống có kích cỡ lớn, sạch bệnh, lớn nhanh, giảm hao hụt trong quá trình nuôi thương phẩm. Công nghệ biofloc hiện nay được ứng dụng phổ biến để ương nuôi các đối tượng thủy sản nhằm mang lại hiệu quả trong việc loại bỏ đạm dư thừa, bên cạnh đó duy trì được dinh dưỡng và chất lượng nước ở mức an toàn cho tôm ương nuôi.

Trong nuôi tôm, độ mặn là một yếu tố quan trọng quyết định năng suất trong quá trình thả nuôi, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân, do biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa to kéo dài có thể làm giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi, gây khó khăn cho quá trình chăm sóc tôm. Đặc biệt là trong giai đoạn thả giống, sự thay đổi độ mặn có thể ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và tỷ lệ giống của tôm sú. Vì vậy, cần phải xác định được ngưỡng độ mặn nằm trong khoảng thích hợp cho tôm sú phát triển.

Đánh giá ảnh hưởng sốc độ mặn trong giai đoạn thả giống tôm sú

Thí nghiệm được thực hiện với 7 nghiệm thức chia làm 2 nhóm

Nhóm 1: tiến hành sốc độ mặn: bao gồm 5 nghiệm thức, tôm từ độ mặn 20‰ thả ương trực tiếp ở độ mặn 5‰, 10‰, 15‰, 20‰ (đối chứng), 30‰.

Nhóm 2: 2 nghiệm thức còn lại được chia làm 2 nhóm nhỏ để thuần nhanh từ độ mặn 20‰ xuống 5‰ trong vòng 3 giờ và thuần chậm từ độ mặn 20‰ xuống 5‰ trong 3 ngày.

Mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần và được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên trong bể nhựa chứa 70 lít nước, mật độ 2 con/lít. Tôm được cho ăn 4 lần/ngày bằng thức ăn số 1 (40% đạm) của Công ty CP với chế độ cho ăn theo khối lượng thân tôm.

Biofloc được tạo bằng nguồn mật rỉ đường bón vào bể ương tôm mỗi ngày để đạt tỉ lệ C/N = 10/1.

Kết quả 

Sau 20 ngày ương cho thấy các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp cho phát triển của tôm. Sự thay đổi độ mặn đột ngột trong quá trình thả giống không ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của tôm, nhưng đã ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của tôm. 

sốc độ mặn, tăng trưởng của tôm, tôm sú, thả giống tôm, thuần dưỡng tôm

 Tỉ lệ sống của tôm sau 20 ngày ương

Kết quả cho thấy, khi sốc độ mặn càng lớn ti lệ sống của tôm càng thấp tương ứng khi tôm bị sốc độ mặn từ 20‰ (giảm đột ngột xuống còn 5- 10‰) cho tỉ lệ sống thấp nhất chỉ đạt 60,7% - 67,0%,  và cao nhất ở nghiệm thức đối chứng 98,3%, không có sự khác biệt so với nghiệm thức sốc giảm 5‰ độ mặn và tăng độ mặn từ 20 - 30‰. Tôm giống được thuần nhanh và thuần chậm không ảnh hưởng đến tăng tưởng và tỷ lệ sống của tôm nuôi.

Tăng trưởng và khối lượng của tôm không bị ảnh hưởng bởi việc sốc độ mặn, tuy nhiên tăng trưởng về chiều dài bị ảnh hưởng, sốc độ mặn càng lớn thì tăng trưởng chiều dài tôm càng thấp.

Từ kết quả thí nghiệm bà con nên thuần hóa tôm trước khi thả vào ao nuôi, hoặc nếu thả trực tiếp vào ao thì độ mặn không nên chênh lệch quá 5‰ để đảm bảo không ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm. Đối với trường hợp, mưa to và kéo dài, nên thiết kế đập tràn để tháo bớt nước mặt, nhằm tránh thay đổi độ mặn đột ngột. 

Hy vọng kết quả từ nghiên cứu sẻ cung cấp thêm thông tin cho bà con để có cách ương nuôi tôm phù hợp, thích nghi được với môi trường thời tiết biến đổi đột ngột như hiện nay.

Nguồn: Theo Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: