Bạc Liêu: Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp nuôi tôm sú, tôm thẻ đạt hiệu quả cao và bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long”

Thursday,
24/05/2018
0

Năm 2017, tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhưng ngành tôm vẫn có đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng vượt bậc của ngành Thủy sản Việt Nam với tổng sản lượng tôm nuôi đạt trên 700 ngàn tấn, trong đó tôm nước lợ đạt 689.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt trên 3,85 tỷ đô la Mỹ, tăng 22,3 % so với cùng kỳ năm 2016.

Ngày 18/5/2018, tại Bạc Liêu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp nuôi tôm sú, tôm thẻ đạt hiệu quả cao và bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, bà Phan Thị Thu Oanh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu và ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm hợp tác Quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững đồng chủ trì Diễn đàn.

Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn

Tham dự diễn đàn có 315 đại biểu, trong đó 170 đại biểu là nông dân của 05 tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh.

Theo báo cáo, tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ cả nước năm 2017 đạt 720.000 ha, tăng 3,65% so với năm 2016. Diện tích thả nuôi tăng là do một số địa phương thả nuôi tăng số vụ trong năm và tăng tập trung chủ yếu tại các tỉnh như Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu. Diện tích thả nuôi tôm sú là 621.000 ha, diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng là 99.000 ha. Sản lượng tôm nuôi nước lợ năm 2017 đạt 689.000 tấn, trong đó sản lượng tôm sú là 258.500 tấn, tôm thẻ chân trắng là 430.500 tấn.

Năm 2017, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường đều tăng mạnh. Tôm được xuất khẩu sang 99 thị trường, trong đó nhóm các thị trường chính gồm: EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc, chiếm 83,5% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, ngành tôm nước ta vẫn còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc cần phải tháo gỡ để phát triển bền vững như: Chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa, chưa thể chủ động cung ứng tôm giống; Giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao; Tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm ở cơ sở sản xuất tôm nhỏ lẻ làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm; Nhiều vùng nuôi chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo; Nền sản xuất tôm còn manh mún, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; Công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh hạn chế, chưa được quan tâm; Công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh chưa đầy đủ; Cạnh tranh thương mại đang ngày càng khốc liệt, thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn gặp khó khăn về các loại rào cản kỹ thuật, thuế quan, phi thuế quan.

Ông Kim Văn Tiêu, PGĐ TTKNQG, trao đổi với chủ hộ về kỹ thuật nuôi tôm tại mô hình áp dụng công nghệ cao vào nuôi tôm ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu

Ngoài ra, diễn biến thời tiết đang diễn ra khó lường, cực đoan là một trong những nguyên nhân dễ gây ra dịch bệnh cho tôm nuôi. Việc tổ chức Diễn đàn tại Bạc Liêu thời điểm này góp phần đưa ra giải pháp phát triển nuôi tôm sú, tôm thẻ hiệu quả cao và bền vững.

Diễn đàn đã nhận 40 câu hỏi của nông dân tham dự. Các câu hỏi đã được 08 chuyên gia am hiểu về lĩnh vực thủy sản giải đáp trực tiếp, thỏa đáng, dễ hiểu, dễ nhớ. Nội dung các câu hỏi tập trung vào một số vấn đề như: thiết kế ao, bể nuôi tôm; kỹ thuật thực hiện mô hình tôm sú, tôm thẻ; lựa chọn con giống; tăng sức đề kháng cho tôm; quản lý thức ăn – môi trường nuôi; thu hoạch; áp dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại vào nuôi tôm thâm canh…

Ths. Nguyễn Công Thành giải thích, hướng dẫn cách nhận biết bệnh tôm tại Diễn đàn

– Đối với các cơ quan quản lý: Cần tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi; quy hoạch vùng nuôi; quản lý chất lượng tôm giống, thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, an toàn thực phẩm. Tiếp tục bổ sung kinh phí xây dựng mô hình nuôi tôm an toàn thực phẩm; xây dựng mối liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp; tổ chức lại sản xuất, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất gắn với doanh nghiệp.

– Đối với các cơ quan nghiên cứu: tiếp tục nghiên cứu để tạo ra con giống sạch bệnh, tiến tới kháng bệnh; nghiên cứu nhiều mô hình hay, mới, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu để chuyển giao cho nông dân.

– Đối với trung tâm khuyến nông các tỉnh: Xây dựng chuyển giao các mô hình đạt hiệu quả cao, các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi công nghệ cao, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường. Tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền về mô hình để nhiều người làm theo.

– Đối với cơ quan thông tấn báo chí: đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thông tin tuyên truyền về các mô hình hiệu quả, mô hình mới để cho bà con học tập và nhân rộng.

– Đối với bà con nông dân: Để nuôi tôm hiệu quả và bền vững cần thiết kế hệ thống ao nuôi đồng bộ, đảm bảo nguồn nước nuôi, độ dốc ao phù hợp; lựa chọn con giống tốt (mua ở cơ sở uy tín, được kiểm định, đủ kích cỡ, tạo thức ăn tự nhiên); quản lý môi trường nuôi, duy trì hệ vi sinh vật có lợi, sử dụng chế phẩm sinh học; tăng sức đề kháng cho tôm (bổ sung vitamin, thảo dược); quản lý thức ăn tốt cho ăn đúng liều lượng… Ngoài ra, nên tham quan trước khi làm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới; chuẩn bị đầy đủ vật chất, trang bị kiến thức, kỹ thuật, công nghệ mới; làm từ nhỏ đến lớn; ghi chép sổ sách nhật ký, rút kinh nghiệm; chủ động, sáng tạo.


Nguồn: Trung tâm khuyến nông quốc gia

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: