Để chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của một huyện vùng ven biển, năm 2012, Đông Hải đã tập trung phát triển nhiều mô hình sản xuất trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là mô hình nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến kết hợp. Đồng thời, thực hiện phương châm nuôi trồng đa con gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Mô hình “số 1”
Tổng kết các mô hình sản xuất bền vững trong nhiều năm qua cho thấy, mô hình nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến kết hợp vẫn là mô hình chủ lực của huyện Đông Hải (với diện tích sản xuất khoảng 35.000ha). Mô hình này không chỉ giúp nông dân giảm tối đa các khoản chi phí đầu tư, mà còn giảm thiệt hại. Đồng thời nuôi thêm nhiều loại thủy sản khác trên cùng một đơn vị diện tích.
Với hình thức thu tỉa thả bù, ngoài đối tượng nuôi chủ yếu là con tôm sú, nông dân còn kết hợp nuôi các loại thủy sản khác như: cá, cua… đạt năng suất bình quân từ 1.000 - 1.200kg/ha/năm (tôm, cua, cá các loại), cho lợi nhuận bình quân khoảng 30 - 40 triệu đồng. Đồng thời tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn trong ao nuôi mà không phải đầu tư.
Hiện nay, mô hình này phát triển mạnh ở các xã phía Tây của huyện Đông Hải như An Trạch, Định Thành, Định Thành A... Trong đó, có nhiều hộ nuôi thành công trong nhiều năm liền với lợi nhuận thu được hàng trăm triệu đồng/năm như hộ ông Nguyễn Văn Đẹp (ấp Phan Mầu, xã Định Thành A); hộ ông Đỗ Hồng Ân, Lê Văn Minh, Nguyễn Phú Hùng (ấp Lung Chim, xã Định Thành)…
Tổng kết mô hình sản xuất này cho thấy, có đến 90% diện tích nuôi có lãi và chỉ 10% diện tích nuôi hòa vốn, lỗ. Nguyên nhân hộ nuôi bị lỗ là do diện tích đất nhỏ lẻ, bờ bao không giữ nước, khâu chăm sóc, quản lý chưa được quan tâm đúng mức…
Ông Đỗ Việt Trung (xã Long Điền Tây) - người đã hơn 10 năm thực hiện mô hình này - khẳng định: “Tính đến nay, mô hình nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến kết hợp vẫn là mô hình “số 1”, bền vững nhất. Mô hình có rủi ro rất thấp, lợi nhuận ổn định, nông dân không phải lo chuyện đầu tư”.
Nhân rộng mô hình nuôi sinh thái
Nuôi tôm sinh thái mà tiêu biểu là mô hình tôm - rừng sẽ là mô hình được khuyến khích nhân rộng trong năm nay. Hiện, có trên 450 hộ nông dân tham gia áp dụng mô hình tôm - rừng với diện tích hơn 2.648ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm kết hợp với rừng phòng hộ ven biển là 1.199ha, rừng trồng trên đất nuôi tôm trên 1.449ha, tập trung chủ yếu ở 3 xã: Điền Hải, Long Điền Đông và Long Điền Tây.
So với mô hình nuôi tôm quảng canh, năng suất của mô hình tôm - rừng chỉ đạt từ 700 - 800kg/ha/năm. Do vậy, lợi nhuận bình quân khoảng 20 - 25 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp đạt năng suất trên 90kg/ha, lợi nhuận trên 30 triệu đồng/ha/năm. Điển hình như hộ ông Đào Văn Khởi, ông Nguyễn Hòa Nhịn, ông Huỳnh Văn Xe (ấp Vĩnh Điền); ông Nguyễn Văn Hùng (ấp Bửu II, xã Long Điền Đông)… Tuy năng suất đạt thấp hơn các mô hình nuôi trồng thủy sản khác, nhưng ở mô hình này, nông dân sẽ tranh thủ được nhiều nguồn lợi từ biển như: cua giống, cá kèo giống và thu được nhiều loại thủy sản có giá trị khác sống dưới tán rừng. Thống kê mô hình tôm - rừng cho thấy, chỉ có 5% bị rủi ro, thua lỗ, còn lại 95% đều sản xuất có lãi.
Năm 2013, ngoài phát triển, nhân rộng hai mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững trên, Ban chỉ đạo sản xuất huyện Đông Hải tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng những mô hình sản xuất mới nhằm chủ động ứng phó với thị trường khi con tôm gặp rủi ro. Ông Lưu Văn Tỷ, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện, đánh giá: “Năm 2012, các mô hình nuôi trồng thủy sản trên tuy phát triển khá bền vững, nhưng do ảnh hưởng giá cả nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Do vậy, để khuyến khích nông dân áp dụng, nhân rộng những mô hình này cũng như những mô hình sản xuất hiệu quả khác, các ngành cần liên kết để làm tốt đầu ra. Bởi, đã có nhiều mô hình sản xuất mới mang lại năng suất cao nhưng không được nhân rộng. Nguyên nhân là gặp khó khăn về đầu ra như mô hình nuôi cá chẽm theo hình thức công nghiệp”.
Báo Bạc Liêu