Bạc Liêu: Tăng cường đầu tư cho phát triển con tôm

Thursday,
12/12/2019
0

Năm 2019, con tôm tiếp tục giữ vị trí “trụ cột” và tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Do vậy, Bạc Liêu sẽ dồn nguồn lực để phát triển con tôm vào năm 2020 và hứa hẹn tạo những đột phá mới.

Những bất cập

Nhờ đẩy mạnh phát triển các mô hình nuôi tôm, ước tính đến cuối năm 2019, tổng sản lượng tôm nuôi đạt 142.600 tấn, góp phần hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Qua đó giúp ngành Nông nghiệp tăng trưởng hơn 5,1% và tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình nuôi tôm trong năm qua cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Một trong những bất cập là công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học – kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất còn khiêm tốn, việc ứng dụng khoa học – công nghệ mới chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp lớn, việc áp dụng trong nông dân còn chậm. Trong khi đó, các yếu tố đầu vào như: con giống, thức ăn, phân bón, thuốc thủy sản… luôn biến động theo chiều hướng tăng, khó kiểm soát chất lượng do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan chuyển biến ngày càng bất lợi, làm ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế và thu nhập của người nuôi tôm.

Thêm vào đó, một số mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh của các hợp tác xã, hộ nông dân tuy chứng minh được tính hiệu quả, nhưng khó tiếp cận vốn ngân hàng. Sự gắn kết giữa các hộ sản xuất và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, tính cộng đồng trong liên kết chuỗi sản xuất chưa hoàn thiện; niềm tin, trách nhiệm giữa các bên tham gia liên kết thiếu bền vững.

Về hạ tầng, hệ thống các công trình thủy lợi, thủy nông nội đồng kênh mương bị bồi lắng nhanh, không cung cấp đủ nguồn nước cho sản xuất, nhất là vùng phía Nam Quốc lộ 1A. Hệ thống điện 3 pha phục vụ các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh còn hạn chế; mức độ ổn định trong cung cấp điện chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để nhân rộng và phát triển các mô hình nuôi tôm theo hướng hiện đại, liên kết chuỗi và tạo thêm nhiều giá trị, lợi nhuận cho người nuôi tôm; đồng thời tạo nên những tiền đề quan trọng, từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2020. Đó là tăng cường giám sát thực hiện quy hoạch và kiểm tra các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh đầu vào nhằm quản lý có hiệu quả quá trình phát triển ngành Thủy sản; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và tổ chức, cá nhân liên quan. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác, nhất là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, mô hình tôm – lúa để phổ biến nhân rộng trong nông dân. Xây dựng quy trình xử lý nước thải, chất thải trong nuôi tôm siêu thâm canh, giải quyết tốt bài toán về bảo vệ môi trường trước những nguy cơ ô nhiễm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã hướng đến liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp cung ứng các yếu tố đầu vào (giống, vật tư sản xuất) và với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm thành chuỗi liên kết mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh tỉnh cần có những chính sách cụ thể, linh hoạt hơn trong việc chỉ đạo các ngân hàng thương mại thông qua phương án sản xuất hiệu quả, công trình, quy trình nuôi siêu thâm canh (theo quy trình được ngành chuyên môn thẩm định) để người nuôi tôm được tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng, thuận lợi.

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: