Tính đến ngày 26/9/2013, diện tích thả nuôi tôm càng xanh của tỉnh Bạc Liêu là 5.705 ha, đạt 76,06% kế hoạch, chủ yếu tập trung nhiều nhất trên địa bàn huyện Phước Long 5.500 ha, Hồng Dân 175 ha, Giá Rai 30 ha.
Qua ghi nhận thực tế tại một địa bàn hiện nay tôm đã được 1,5 - 2 tháng tuổi, đang phát triển tốt, người dân đang tích cực chăm sóc theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn. Thời điểm này khu vực nuôi trồng thủy sản Bắc quốc lộ 1A có độ mặn từ 1 - 3 ‰ thích hợp cho tôm càng xanh giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Tôm càng xanh giống được thả nuôi đa số có nguồn gốc Đại học Cần Thơ với giá từ 170 - 190 đồng/con, kích cỡ từ 1 - 1,2 cm, tôm được ương gièo từ 1 - 1,5 tháng trước khi thả ra vuông nuôi.
Người dân gièo tôm càng xanh giống trước khi sang ra vuông nuôi.
Nhiều năm qua, mô hình tôm càng xanh - lúa phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện tự nhiên các địa bàn huyện Phước Long, Hồng Dân, một phần huyện Giá Rai. Tôm càng xanh có ưu thế là khi nuôi kết hợp trên đất trồng lúa sẽ tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên trong ruộng lúa. Sau thời gian nuôi 5 - 6 tháng, năng suất tôm bình quân 80 - 100 kg/ha/vụ, lợi nhuận khoảng 10 - 12 triệu/ha. Tuy nhiên, diện tích thả nuôi năm nay đạt thấp (chỉ đạt 80,89% so với cùng thời điểm năm trước - 2012), nguyên nhân là do nguồn giống khá khan hiếm và nhiều hộ nông dân đã chuyển sang nuôi thẻ chân trắng. Hiện nay, các ngành chuyên môn đang tăng cường hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, quản lý tôm nuôi, đảm bảo vụ mùa thành công cho người dân.
Theo Sở NN&PTNT Bạc Liêu