Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bạc Liêu đã tổ chức tổng kết nhân rộng mô hình “Nuôi thâm canh tôm sú, thẻ chân trắng bền vững theo VietGAP”.
Mô hình được triển khai năm 2015, trên diện tích 6 ha với 3 hộ tham gia (1,2 ha mặt nước/hộ), tổng kinh phí đầu tư 596.903.000 đồng.
Qua 6 tháng triển khai thực hiện, kết quả sơ bộ các mô hình đều cho lợi nhuận: Đối với mô hình nuôi thẻ chân trắng hộ ông Trần Văn Bé - ấp 5, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, đạt năng suất 12.925 kg/ha, tỷ lệ sống 75,26%, lợi nhuận 694.325.000 đồng. Mô hình nuôi tôm sú hộ ông Lưu Hòa Sển - ấp Xóm Lớn B, Xã Vĩnh Mỹ A, Huyện Hòa Bình, đạt năng suất 5.248 kg/1,2 ha, tỉ lệ sống 70%, lợi nhuận 629.848.000 đồng. Mô hình nuôi tôm sú hộ ông Huỳnh Ngọc Lâm - ấp Giồng Giữa, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu, đạt 4.850 kg/1,2 ha, lợi nhuận 334.840.000 đồng.
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại hộ ông Trần Văn Bé - Gành Hào, Đông Hải
Tuy mô hình chưa thật sự thành công như mong muốn, nhưng cơ bản đã thành công trong điều kiện dịch bệnh khó kiểm soát, giá cả tôm thương phẩm trong những tháng đầu năm xuống thấp, các hộ nuôi tôm xung quanh mô hình có nhiều hộ mất trắng. Việc áp dụng quy trình sản xuất theo VietGAP đã làm giảm việc sử dụng những sản phẩm có yếu tố độc hại đối với môi trường, hạn chế dịch bệnh, góp phần hạn chế các chất độc hại tồn lưu trong sản phẩm, tạo điều kiện cho việc phát triển nông nghiệp bền vững, tạo ra các sản phẩm sạch, góp phần nâng cao sức khỏe của người trực tiếp sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Để mô hình nuôi tôm thâm canh theo VietGAP đạt được kết quả cao cần có sự đồng thuận cao của toàn xã hội, trước hết là sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền, các ban ngành ngành địa phương về chủ trương, giải pháp giúp cho người nuôi giảm thiểu những thiệt hại trước những tác động của thời tiết, dịch bệnh, biến động thị trường... phát sinh nhiều yếu tố bất lợi cho nghề nuôi tôm.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia