Bạc Liêu trăn trở chọn tôm bỏ nhiệt điện

Wednesday,
21/02/2018
0

Thông tin ngày 20.9 vừa qua, tỉnh Bạc Liêu xin Thủ tướng Chính phủ bỏ quy hoạch Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng (huyện Đông Hải), đồng thời kiến nghị Thủ tướng xây dựng Bạc Liêu thành “thủ phủ” tôm làm nức lòng không chỉ người dân Bạc Liêu! Nhiều năm nay, “xứ sở Công tử Bạc Liêu” loay hoay tìm phương hướng phát triển, bởi tỉnh ở vị trí địa lý không thuận lợi tại vùng ĐBSCL. Chọn cá tôm là cách để Bạc Liêu phát triển, nhưng vẫn còn đó những bộn bề cho ngành công nghiệp tôm...


http://tomgiongchauphi.com/uploads/news/2016_10/thu-tom_16.jpg


Đã xác định được thế mạnh lớn nhất

Là người nuôi tôm thành công nhiều năm với biệt danh “Vua tôm Sáu Ngoãn”, ông Võ Hồng Ngoãn cười thật tươi khi biết tin Bạc Liêu không xây dựng nhà máy nhiệt điện: “Nói gì thì nói nhiệt điện chạy bằng than, khói bụi than dù có nhốt cỡ nào cũng bay ra ngoài chui xuống nước, xuống đất, tôm cá sẽ bị ảnh hưởng lớn lắm”.

Bạc Liêu xưa nổi tiếng với nhân vật Công tử Bạc Liêu ăn chơi nổi tiếng. Bạc Liêu nay vẫn là một tỉnh nghèo, thuần nông, thậm chí là còn vô cùng khó khăn tại khu vực ĐBSCL. Trong khi các tỉnh anh em đã vào câu lạc bộ 2.000 tỉ rồi, thì 2 năm nay Bạc Liêu mới lẹt đẹt thu ngân sách trên 1.700 tỉ, chi ngân sách trên 2.600 tỉ đồng. Hệ thống giao thông huyết mạch ĐBSCL đã được quy hoạch, nhưng qua Bạc Liêu không nhiều ngoài đường QL1A còn đường Quảng Lộ - Phụng Hiệp cắt ngang để đi Cà Mau. Khu công nghiệp Trà Kha được quy hoạch cách đây gần 20 năm nhưng cho đến nay chỉ có 5 nhà đầu tư vào đây; toàn tỉnh chưa đến 20.000 công nhân lao động. Cả tỉnh mới có 38.000 công nhân viên chức lao động, vẫn còn kém so với huyện Đức Hòa, tỉnh Long An (40.000 lao động).

Dông dài thế để thấy rằng, nền công nghiệp của xứ sở Công tử Bạc Liêu còn kém xa so với các tỉnh liền kề. Tại hội thảo cụm kinh tế bán đảo Cà Mau do Bộ NNPTNT tổ chức giữa tháng 9.2016, Bạc Liêu xác định thế mạnh lớn nhất của mình là phát triển nuôi tôm, với diện tích nuôi trồng thủy sản chiếm gần 50% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Sản lượng tôm hằng năm khoảng 105.000 tấn (đứng thứ hai cả nước), mang lại giá trị gần 11,5 ngàn tỉ đồng với nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao hàng đầu quốc gia và có thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á. Bạc Liêu cũng là một trong những trung tâm sản xuất tôm giống của ĐBSCL và cả nước với sản lượng sản xuất 25 tỉ con giống/năm, chiếm 50% của vùng ĐBSCL và 19,23% cả nước.

Với mục tiêu trở thành vùng nuôi tôm lớn nhất cả nước và xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam, tỉnh đã định hướng phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đã dự kiến quy hoạch “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” với diện tích giai đoạn I là 200ha. Tại Bạc Liêu cũng xuất hiện mô hình sản xuất độc đáo, đó là mô hình lúa - tôm được các nhà khoa học xác định là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ mô hình lúa - tôm của Bạc Liêu đã lan sang các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang và một số tỉnh khác. Dẫu vậy cây lúa vẫn chưa thật sự đem đến khấm khá cho người trồng, vì vậy cũng cần phải toan tính cho nông dân có của ăn, của để trên mảnh đất chính mình.

Trăn trở từng bước đi

Ngày 20.9, làm việc với cán bộ chủ chốt của Bạc Liêu, Thủ tướng Chính phủ đã hoan nghênh đề xuất xin rút dự án nhiệt điện Cái Cùng trên địa bàn tỉnh ra khỏi quy hoạch điện VII để bảo đảm môi trường cho nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh tỉnh có nguồn phát triển điện gió; đồng thời giao Bộ Công Thương xem xét, tính toán cân đối nguồn điện. Thủ tướng lưu ý tỉnh đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản, tiếp tục động viên người dân gắn bó với quê nhà, phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao hướng đi “lấy mũi nhọn” là tôm của tỉnh Bạc Liêu.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, việc Bạc Liêu xin với Thủ tướng Chính phủ rút dự án Nhiệt điện Cái Cùng trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh dư luận phản đối rất nhiều về sự ô nhiễm môi trường bởi những nhà máy nhiệt điện đã và đang xảy ra tại ĐBSCL, liệu phải để… lấy tiếng? Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ “Chúng tôi cân nhắc rất nhiều lần và họp bàn cũng nhiều lần mới đi đến quyết định xin Thủ tướng Chính phủ rút dự án này ra khỏi quy hoạch. Bởi trước đó, cũng chính mình xin quy hoạch, xin đầu tư và cũng đã làm việc với các đối tác của Nhật Bản hết rồi. Bây giờ cùng đồng thuận để đi đến thống nhất xin rút dự án”.

Cách đây 1 năm, ngày 11.2.2015, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã làm việc với Công ty Kyushu và Công ty Sojitz về dự án Nhà máy điện Cái Cùng. Dự án này được đánh giá sẽ cung cấp một lượng điện lớn, góp phần làm thay đổi diện mạo của Bạc Liêu nói riêng và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nói chung. Trong những bàn thảo trước đó giữa hai bên, phía Nhật Bản đã có những cam kết ban đầu về lựa chọn công nghệ, đảm bảo yếu tố môi trường từ khi xây dựng đến khi vận hành.

Theo đó, không chỉ môi trường biển mà cả rừng đước tự nhiên của Bạc Liêu cũng sẽ được an toàn. Tuy nhiên, sau thời gian tính toán, cân nhắc, lãnh đạo tỉnh nhận định dù cam kết thế nào thì rủi ro, nguy cơ cũng có thể xảy ra, tại sao không chọn thế mạnh tiềm năng thủy hải sản sẵn có của địa phương để phát triển.

Ông Phan Duy Tuyên - Chủ tịch Liên hiệp Các hội KHKT Bạc Liêu, nguyên Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Bạc Liêu cho biết: “Khi phản biện dự án này, chính tôi đã phân tích mức độ rủi ro khi nhà máy nhiệt điện xây dựng giữa trung tâm vùng nuôi trồng thủy sản của hai huyện Hòa Bình và Đông Hải. Chúng tôi đề xuất với lãnh đạo tỉnh cần cân nhắc khi chọn lựa giữa nhiệt điện và con tôm, con cá; giữa công nghiệp điện và hàng chục ngàn hộ nuôi tôm”.

“Thủ phủ tôm” - chuyện không dễ

Liên tiếp trong tháng 9 tại Bạc Liêu diễn ra hàng loạt cuộc hội thảo, hội nghị xung quanh con tôm nước lợ khu vực phía nam. Hội thảo phát triển ngành tôm Việt Nam, hội nghị giao ban tôm nước lợ phía nam, hội nghị quy hoạch sản phẩm chủ lực nông nghiệp vùng bán đảo Cà Mau… Tại các cuộc hội thảo, hội nghị này, Bạc Liêu đã tranh thủ đề xuất ý kiến xây dựng “thủ phủ tôm” tại Bạc Liêu. Ý tưởng này được Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao. Tuy nhiên, để phát triển con tôm Bạc Liêu nói riêng, ngành tôm Việt Nam nói chung cần nhiều yếu tố. Trong đó quy hoạch sản xuất với hệ thống thủy lợi, hạ tầng vùng nuôi là then chốt, công nghệ là đột phá, thương hiệu là quyết định đến hình ảnh con tôm Việt Nam.

Ông Lương Ngọc Lân - Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu cho rằng, cơ sở để Bạc Liêu xây dựng “thủ phủ tôm” là có. Bởi tỉnh đang có vùng nuôi tương đối ổn định; công nghệ nuôi thuộc hàng tiên tiến của Đông Nam Á; bên cạnh đó mô hình nuôi đa dạng có tính bền vững cao: Tôm từng, quảng canh, tôm - lúa… “Tỉnh cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản cung cấp nguồn tôm sạch bệnh thông qua các cánh đồng mẫu lớn cho con tôm tại huyện Đông Hải, Phước Long, Hồng Dân”.

Là người có gần 30 năm làm nghề xuất khẩu tôm, ông Lê Văn Quang - Phó Chủ tịch Vasep, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú góp ý một cách thẳng thắn 8 vấn đề liên quan đến con tôm: Quy hoạch vùng nuôi; con giống; thức ăn;quy trình và công nghệ nuôi; dịch vụ và cung ứng dụng cụ, vật tư, thuốc vi sinh và thức ăn; kiểm tra giám sát quá trình nuôi; thu hoạch muối ướp, bảo quản và vận chuyển; chế biến và xuất khẩu. Theo ông vấn đề nào cũng… có vấn đề.

Ông Quang góp ý “ việc cung cấp các dụng cụ, vật tư, thuốc, chế phẩm vi sinh và thức ăn qua rất nhiều tầng lớp trung gian với mức chiết khấu rất cao nên làm đội giá thành cao khoảng 50%, thậm chí có thuốc, có chế phẩm vi sinh giá lên gấp 2, gấp 3 lần. Vì thế, góp phần làm giá thành tôm rất cao so với giá trị thật của nó trên thị trường, khó bán, thậm chí phải bán dưới giá thành. Đó là nguyên nhân giết chết dần các hộ nuôi, các DN nuôi tôm. Vì hệ thống trung gian nhiều tầng lớp này nên họ tư vấn và bán thuốc kháng sinh cho người nuôi tôm quá lạm dụng nên tôm thương phẩm của Việt Nam bị nhiễm kháng sinh với tỉ lệ cao nên không bán được vào thị trường Nhật, EU, Mỹ được dẫn đến các DN xuất khẩu tôm Việt Nam mất cơ hội và mất dần các thị trường lớn”.

Xây dựng vùng nuôi tôm công nghệ cao; phát triển vùng nguyên liệu tôm tại Bạc Liêu xem ra chuyện không chỉ riêng của tỉnh Bạc Liêu. Bởi ai cũng biết, để nền kinh tế mũi nhọn này phát triển cần nhiều yếu tố và sức đầu tư không phải ít, nhất là trong bối cảnh thời tiết diễn biến bất thường tại khu vực ĐBSCL.

 


Theo Báo Lao Động



 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: