Sản xuất được con giống đảm bảo chất lượng và đáp ứng đủ nhu cầu của người nuôi tôm luôn là bài toán khó đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh tôm giống tại Việt Nam. Bởi không phải lúc nào, hai yêu cầu này cũng song hành cùng nhau.
Dư thừa con giống
Những tháng đầu năm 2015, tình hình thời tiết biến động phức tạp, có thời điểm, nhiệt độ lên đến 380C. Nắng nóng kéo dài đã khiến nhiều diện tích tôm nuôi bị thiệt hại. Cùng đó, độ mặn tăng cao (có thời điểm trên 32‰), khiến việc thả giống rất bất lợi. Tính đến giữa tháng 7, cả nước thả nuôi khoảng 616.500 ha tôm nước lợ, bằng 96,5% cùng kỳ năm 2014. Sản lượng tôm thu hoạch 230.900 tấn, đạt 32,5% kế hoạch năm và chỉ bằng 88% so cùng kỳ.
Ông Trần Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Trà Vinh cho biết, thời tiết nắng nóng là nguyên nhân chính gây bệnh trên tôm; toàn tỉnh có 5.328 hộ nuôi tôm sú, TTCT bị thiệt hại, diện tích trên 3.694 ha, số lượng con giống trên 631 triệu con. Thiệt hại chưa có dấu hiệu dừng. Tại Sóc Trăng, tính đến cuối tháng 7/2015, toàn tỉnh thả tôm giống 33.476 ha, đạt 74,4% kế hoạch, trong khi đó, tình hình cũng không mấy sáng sủa. Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, nói chưa năm nào nuôi tôm bi đát như năm nay; 6 tháng đầu năm 2015, các thành viên Hiệp hội chỉ thả nuôi được 20% tổng diện tích (2.700 ha) và chỉ 50% diện tích thả nuôi thành công.
Thừa tôm giống nhưng người dân vẫn thiếu tôm giống chất lượng để thả nuôi - Ảnh: Vũ Mưa
Tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, xã Triệu Phước 38 ha tôm bị dịch bệnh, nhiều nhất trong huyện. Nhiều hộ nuôi đang chuẩn bị thả vụ nuôi mới. Trong điều kiện thời tiết biến đổi thất thường cộng với việc xả thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường nên khả năng thời gian tới, dịch bệnh vẫn dễ bùng phát, tiếp tục gây thiệt hại lớn cho sản xuất.
Mặc dù diện tích thả nuôi giảm nhưng số lượng cơ sở sản xuất tôm giống nước lợ vẫn cao. Đến thời điểm này, cả nước có 2.250 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ; trong đó 1.700 cơ sở sản xuất tôm sú và 550 cơ sở sản xuất TTCT, chưa kể các cơ sở ương dưỡng tôm giống.
Con giống sản xuất ra nhiều nhưng nhu cầu thả nuôi giảm mạnh đã gây ra tình trạng dư thừa lớn. Trong khi số lượng tôm giống sản xuất ra trong 6 tháng đầu năm hơn 62 tỷ tôm Postlarvae thì số lượng thả nuôi chỉ đạt 29 tỷ tôm Postlarvae. Tổng cục Thủy sản cho biết, khoảng 33 tỷ tôm bột bị xả bỏ.
Điều chỉnh cách nào?
Việc thả nuôi giảm mạnh đã khiến nhiều cơ sở sản xuất tôm giống gặp khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua vì giá cả và thời tiết, đặc biệt với sản xuất tôm. Vì thế, các cấp, ngành cần phải thay đổi tư duy chỉ đạo sao cho phù hợp thực tế. Ngành chức năng cần xem xét, đánh giá lại một số mô hình hiệu quả để kịp thời nhân rộng. Tính toán, tổ chức lại sản xuất; trong đó, chú trọng quản lý vùng nuôi, môi trường. Các sở, ngành liên quan phải kết hợp để kiểm soát chặt tôm giống nhập tỉnh...
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất tôm giống tại Bạc Liêu cho biết, sản xuất con giống chất lượng là yêu cầu tất yếu, nhằm mang đến hiệu quả cao nhất cho người nuôi. Nhưng khi có con giống chất lượng rồi lại gặp thời điểm nuôi trồng khó khăn do thời tiết và dịch bệnh khiến diện tích thả nuôi của các hộ dân giảm mạnh, tôm giống chất lượng cũng bị loại bỏ. Điều này ảnh hưởng lớn đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống. Chính vì vậy, Nhà nước cùng các bộ ngành cần có những giải pháp thiết thực nhằm quy hoạch, tổ chức lại sản xuất sao cho hiệu quả, tránh dư thừa và bất hợp lý như thời gian qua.
>> Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: Tình hình sản xuất, kinh doanh chậm kéo dài qua đã khiến nhiều cơ sở sản xuất giống lâm vào tình trạng thua lỗ. Nguồn Nauplius không tiêu thụ được rất lớn, trong khi chi phí chăm sóc tôm bố mẹ khá cao, nên nhiều công ty đã chủ động hủy bỏ tôm bố mẹ trước thời hạn.
Thủy sản Việt Nam