Tôm nuôi vụ nghịch được đánh giá là có nhiều ưu điểm vì thời gian nuôi ngắn, giá cao, nhưng không phải lúc nào cũng thành công, bởi vụ nuôi thêm này thường tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ưu điểm chưa rõ
Hiện nay, nuôi tôm vụ nghịch chiếm khoảng 15 - 20% diện tích nuôi toàn ngành. Trung bình đầu tư nuôi một vụ tôm nghịch hết 300 - 350 triệu đồng/ha. Năng suất tôm nuôi nghịch vụ chỉ đạt bằng 70% vụ chính nhưng bù lại giá bán cao hơn 30 - 40%. Do vậy, nếu thành công, người nuôi sẽ có lợi nhuận 100 - 150 triệu đồng/ha. Mặt khác, thời gian nuôi tôm vụ nghịch chỉ khoảng thời gian 2 - 3 tháng, bằng 1/2 so với thời gian vụ chính, nên người nuôi có thể tiết kiệm được vốn đầu tư sản xuất như: nguyên liệu đầu vào, công chăm sóc…
Tuy nhiên, hiện nay, sản xuất tôm của Việt Nam vẫn chủ yếu để xuất khẩu. Vì vậy, giá tôm nguyên liệu không chỉ phụ thuộc sản lượng tôm trong nước mà còn phụ thuộc lượng tôm và nhu cầu tiêu thụ của thế giới, nên giá cả không thật sự chắc chắn.
Nhiều vấn đề cần quan tâm
Nuôi tôm trái vụ đồng nghĩa việc xả thải liên tục, không có thời gian gián đoạn đồng loạt để môi trường trở nên phú dưỡng. Đến thời điểm nào đó, môi trường sẽ bị suy thoái và nghề nuôi tôm đã nhiều rủi ro càng rủi ro hơn.
Nuôi tôm vụ nghịch nguy cơ dịch bệnh rất cao
Không những vậy, vấn đề rất quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả và sự bền vững của nghề nuôi tôm mà người nuôi chú trọng, đó là chất đất trong ao nuôi. Đất thường xuyên bị ngập mặn sẽ làm thay đổi tính chất lý học và hóa học của đất. Theo thời gian dẫn đến sự suy thoái khó phục hồi của môi trường đất thường xuyên ngập mặn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho đất nuôi tôm liên tục nhiều năm sẽ không còn có hiệu quả nếu không có chế độ cải tạo hợp lý.
Bên cạnh đó, do thời gian nuôi tôm vụ nghịch ngắn nên không có thời gian ngắt vụ và việc cải tạo ao, đầm cũng gấp gáp. Các ao đầm nuôi chỉ được sên vét bùn đáy ao, bón vôi, lấy nước, tẩy trùng rồi thả giống mà hầu như không được phơi đáy do vậy những mầm bệnh tiềm ẩn của vụ nuôi trước nguy cơ lây lan sang vụ nuôi sau là rất cao.
Trong khi đó, thời điểm này biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm rất lớn, ngày nóng, đêm lạnh không thích hợp điều kiện phát triển của tôm. Ngược lại, đây là điều kiện thích hợp mầm bệnh phát triển. Đây còn là thời điểm thu hoạch và cải tạo ao nuôi thả vào chính vụ, nên môi trường nước trên các sông rạch thường bị ô nhiễm nặng và mầm bệnh luôn tồn tại ở mức khá cao. Do đó, bất cứ sai sót nhỏ nào trong quá trình quản lý ao nuôi đều có thể dẫn tới dịch bệnh phát sinh, lây lan, gây thiệt hại đối với tôm nuôi.
>> Thống kê nhiều năm cho thấy, tỷ lệ diện tích tôm bệnh trên diện tích tôm nuôi trái vụ năm nào cũng 60 - 70%. Nguyên nhân phải kể đến là chất lượng con giống. Trong thời gian ngắt vụ, khí hậu không thuận lợi đối với hoạt động sản xuất giống, chất lượng giống sản xuất ra khó đáp ứng yêu cầu.
Thủy sản Việt Nam