Người nuôi tôm ở ĐBSCL đã gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh hai năm qua, trong lúc việc thí điểm bảo hiểm tôm lại tạm dừng mà ngân hàng chỉ cho vay khi có bảo hiểm, nên không khí cầm chừng đang bao trùm những vuông tôm.
Khó khăn kéo dài
Ông Đỗ Tấn Lợi, Chủ tịch UBND xã Hòa Thành (TP Cà Mau) cho biết: "Người nuôi tôm công nghiệp đang chựng lại, khó đạt chỉ tiêu 250 ha vì tôm chết, người nuôi tôm vướng nợ phải thế chấp sổ đỏ vô ngân hàng, cho thuê đất để tìm việc khác". Mấy năm qua, nông dân xã Hòa Thành nuôi tôm quảng canh đã tự phát đào ao nuôi tôm công nghiệp. Thấy vậy, thành phố quy hoạch luôn vùng nuôi tôm công nghiệp 250 ha. Quy hoạch theo đuôi nông dân nhưng cũng đã kéo điện về cho vùng tôm Hòa Thành.
Nhưng ánh điện ao tôm xã Hòa Thành chợt tắt, bây giờ chỉ leo lét ở ao một vài người. Ông Trần Văn Ngoán, cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã Hòa Thành tâm sự: "Nuôi tôm công nghiệp thu lời nhiều nhưng rủi ro không ít, nhiều người trắng tay phải cầm cố đất, cho thuê hoặc sang bán để trả nợ. Tôi có 8 ao tôm công nghiệp đang phải thả thưa vì sợ sạt nghiệp, không dám mạnh tay như trước".
Người nuôi tôm đành “treo ao” vì thiếu vốn
Khu dân cư Xóm Chùa xã Hòa Thành có nhà tường phủ màu rêu phong. Ông Phạm Minh Tám, 59 tuổi, kể: "Nhà này của cha tôi cất hồi còn làm ruộng. Tôi là con trai út nên phụng dưỡng cha mẹ, thừa hưởng ruộng vườn hơn 20 công...". Ông Tám bỏ lửng câu chuyện gia sản cha mẹ để lại. Những năm chuyển dịch đất trồng lúa sang nuôi tôm, gia đình ông Tám cũng chuyển sang nuôi tôm quảng canh, thả con giống, trúng thì thu hoạch, chết thì mua tôm thả tiếp. Nuôi tôm dựa vào thiên nhiên có ăn nhưng khó giàu. Ông Tám khi đó làm Phó trưởng ấp Xóm Chùa, rủ một số người nữa đi vùng nuôi tôm công nghiệp Sóc Trăng, Bạc Liêu học hỏi kinh nghiệm về làm theo.
Năm 2010, ông Tám thuê đào 3 ao nuôi tôm công nghiệp, rộng hơn 1 ha. Vụ đầu, thả giống được một tháng, tôm chết, lỗ gần 70 triệu đồng. Ông Tám đến Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT TP Cà Mau xin gia hạn, vay tiếp để thả nuôi vụ kế. Vốn nhà hết, ông vay tiền một số người thân. "Nuôi tôm công nghiệp như đánh bạc, thua keo này bày keo khác, nhưng rồi tôm chết liên tiếp, không vớt vát được đồng nào", ông Tám thú thật.
Sau 3 vụ nuôi tôm công nghiệp thất bại, vợ chồng ông Tám nợ ngân hàng 162 triệu đồng, vay một số người thân hơn 80 triệu đồng, lãi suất 3%/tháng. Ông Tám rưng rưng: "Nợ nhiều quá, tôi đành cho thuê 3 ao nuôi tôm được 65 triệu đồng, trả bớt nợ nặng lãi. Tôi năn nỉ chủ nợ cho treo lãi, chờ trả vốn. Còn nợ ngân hàng không năn nỉ được, cứ đến hẹn lại ký hợp đồng mới, lấp vô trả nợ cũ".
Cạnh nhà ông Tám có ông Nguyễn Văn Hoàng, nuôi tôm thiếu nợ bị kiện ra tòa, buộc phải trả nợ mấy trăm triệu đồng trong khi đất đã cho người khác thuê, chẳng còn tài sản, tiền bạc để thi hành án. Chuyện nuôi tôm rủi ro khó lường, người giàu có mà nợ chồng chất không còn hiếm ở ĐBSCL.
Thí điểm bảo hiểm tạm dừng
Ngày 1/3/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 315, về thực hiện thí điểm bảo hiểm (BH) nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013 tại 20 tỉnh, thành phố; người nuôi tôm ĐBSCL đón nhận và hồ hởi tham gia.
>> Theo báo cáo của Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm bảo hiểm tôm, tại Sóc Trăng, từ tháng 3 đến đầu tháng 8 năm ngoái, đã bán bảo hiểm cho 3.447 hộ với trên 2.666 ha đất nuôi tôm. Tổng phí bảo hiểm thu được hơn 70,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 45 tỷ, còn lại của người tham gia bảo hiểm. Đến tháng 3 năm nay có 3.156 hồ sơ yêu cầu bồi thường với tổng số tiền lên đến 218,2 tỷ đồng. Tại Bạc Liêu, vụ tôm 2012 toàn tỉnh thu được phí bảo hiểm trên 47 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ gần 29 tỷ, số tiền phải chi cho bảo hiểm của tỉnh này lên đến trên 200 tỷ đồng, hiện đã chi trả trên 130 tỷ đồng, còn lại gần như mất khả năng chi trả. |
Nhưng đến đầu năm 2013, mấy tháng qua, hàng chục hộ nuôi tôm ở các xã Trần Phán, Tạ An Khương, Tân Duyệt (Đầm Dơi, Cà Mau) kéo đến Công ty Bảo Minh - Cà Mau đòi bồi thường tôm nuôi bị chết. Chính quyền huyện Đầm Dơi, Công an tỉnh Cà Mau, Hội Thủy sản Cà Mau… phải cử cán bộ cản ngăn để tránh khiếu kiện đông người.
Ông Lâm Văn Khiếm (ấp Tân Long, xã Tân Duyệt) kể: "Chúng tôi kéo đến Công ty Bảo Minh - Cà Mau hỏi, người nuôi tôm mua BH, tôm bị dịch bệnh chết, đòi bồi thường theo hợp đồng nhưng cứ được hứa lần hứa lữa". Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau - Châu Công Bằng, cho biết: "Công ty Bảo Minh - Cà Mau còn tồn đọng 264 hồ sơ chờ bồi thường, tương đương 14 tỷ đồng; nhưng thực tế hồ sơ chưa bồi thường nhiều hơn, vì địa phương chưa hoàn tất thủ tục".
Ở Sóc Trăng, Công ty Bảo Việt - Sóc Trăng đã bồi thường hơn 200 tỷ đồng cho người nuôi tôm bị thiệt hại; nhưng vẫn còn 400 hồ sơ tồn đọng, tương đương 20 tỷ đồng. Ông Quách Pái, Phó giám đốc Công ty Bảo Việt - Sóc Trăng nói: "Chúng tôi hoàn tất 53 hồ sơ, giá trị bồi thường 3 tỷ đồng. Nhưng còn lại 347 hồ sơ vướng nhiều thủ tục, cố gắng khắc phục để thuyết phục Tổng Công ty Bảo Việt, bồi thường cho người nuôi tôm".
Công ty Bảo Việt - Bạc Liêu đã bồi thường 168 tỷ đồng cho 1.741 hộ nuôi tôm bị thiệt hại, nhưng số còn tồn đọng gần 3 tỷ đồng. Ông Trần Thanh Lạc, Giám đốc Công ty Bảo Việt - Bạc Liêu cho biết: Giai đoạn thí điểm, qui tắc bồi thường lỏng lẻo, qui trình giám sát chưa chặt đã dẫn đến mất cân đối nên thủ tục siết chặt hơn, rất khó cho người nuôi tôm.
Trao đổi với giám đốc các chi nhánh Bảo Minh, Bảo Việt tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, đều nhận được câu trả lời "đang cố gắng giải quyết tồn đọng, chưa thể triển khai bán BH vì chưa có ý kiến các Tổng Công ty Bảo Việt, Bảo Minh". Ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Bảo Việt - Sóc Trăng nói: "Chúng tôi xây dựng qui trình khai thác, qui trình giám định thiệt hại… nhưng Tổng Công ty Bảo Việt chưa cho phép triển khai, đành phải chờ".
Ông Võ Hồng Ngoãn, "vua" tôm sú ở Bạc Liêu chia sẻ: "Dừng BH tôm thì nhiều người không dám nuôi tôm. Thí điểm BH tôm nuôi có sơ hở thì chấn chỉnh chứ không BH tôm nuôi là làm khó người nuôi". Ban chỉ đạo thí điểm BH nông nghiệp các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng vẫn giao chỉ tiêu BH đối với tôm nuôi nhưng rất khó thực hiện. Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Cà Mau cho biết: "Vướng mắc ở đâu rất cần trao đổi để tháo gỡ hoặc kiến nghị Trung ương tháo gỡ, chứ tạm dừng BH thì gay lắm".
Nuôi tôm cầm chừng
Giá tôm ở ĐBSCL đang rất tốt. Tôm sú loại 30 con/kg có giá 190.000 - 195.000 đồng/kg, TTCT loại 100 con/kg giá 85.000 - 90.000 đồng/kg, tăng 10 - 15% so cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bạc Liêu, cho biết: Tôm nguyên liệu không đủ cho nhà máy chế biến xuất khẩu, do người nuôi cầm chừng vì thiếu vốn.
Đã sắp kết thúc vụ nuôi tôm đợt 1/2013 nhưng diện tích thả nuôi ở các tỉnh trọng điểm tôm ĐBSCL (Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng) vẫn chưa đạt kế hoạch. Tỉnh Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp 11.913 ha, mới thả nuôi được 10.007 ha. Trong đó, tôm sú 7.876 ha, TTCT 2.131 ha, đạt 84% kế hoạch, cùng kỳ năm trước đã trên 92%.
Tôm chết, người nuôi trông chờ vào bảo hiểm để tái sản xuất
Tỉnh Sóc Trăng, vùng trọng điểm nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp ở huyện Trần Đề, diện tích "treo ao" do thiếu vốn thả nuôi còn nhiều. Ông Ca Minh Chí (ấp Chợ, xã Trung Bình) có 8 ao, diện tích 4,5 ha, mới thả nuôi 4 ao, còn lại chờ thu hoạch để quay đồng. Ông Giang Đại Hòa (cùng ấp Chợ) có 3 ao nuôi, diện tích 1,5 ha, do không vay được vốn ngân hàng nên phải nuôi gối đầu mỗi lần một ao.
Theo các hộ dân Sóc Trăng, sở dĩ không tiếp cận được vốn ngân hàng là do từ đầu năm đến nay Bảo Việt Sóc Trăng không triển khai bán bộ hồ sơ BH tôm nào cho dân, trong khi ngân hàng chỉ phát vay nuôi tôm cho những hộ được BH, nên vốn dành cho nuôi tôm có nhưng nằm chờ ở ngân hàng. Cũng do không được BH và khó tiếp cận vốn ngân hàng, nhóm nuôi tôm liên kết của ông Phạm Trúc Điệp (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu), một điển hình nuôi tôm bền vững, đã phải "treo ao" từ đầu năm.
Chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất và tăng vốn cho nông nghiệp nông thôn, nhất là nuôi trồng thủy sản. Bao giờ thì ngân hàng và chi nhánh BH tại các địa phương trong vùng ĐBSCL thực hiện được như ý kiến Thống đốc NHNN? Người nuôi tôm hiện còn phải chạy vốn xoay vòng, bỏ hoang diện tích nuôi tôm, dẫn đến cung cầu mất cân đối. Nhiều doanh nghiệp chế biến tôm vì thế phải nhập khẩu nguyên liệu, khiến cán cân thanh toán ngoại tệ mất cân đối theo.
>> Tại Hội nghị bàn cách gỡ khó cho lúa gạo và thủy sản ĐBSCL (Cần Thơ, 5/7), Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình nói: "Hoạt động nuôi trồng và chế biến nếu có kế hoạch tốt, ngân hàng sẽ đáp ứng đủ vốn để sản xuất phát triển. Trong đó hoạt động bảo hiểm sẽ được đẩy mạnh, những sản phẩm quan trọng, đảm bảo được đầu ra sẽ được xem xét cấp bảo lãnh tín dụng".
Thủy sản Việt Nam