Trong 6 tháng đầu năm 2014, Bến Tre và một số tỉnh khác thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đã có những chuyển dịch mạnh về diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm chân trắng.
Diện tích thu hoạch tôm sú 6 tháng đầu năm của cả nước ước đạt 495 nghìn ha, giảm 10% so với cùng kì năm ngoái; sản lượng ước đạt 106 nghìn tấn, giảm 5,5%. Trong khi đó, tôm chân trắng có diện tích và sản lượng tăng mạnh với diện tích tăng 111%, đạt 53 nghìn ha, và sản lượng tăng 105%, đạt 117 nghìn tấn. Các tỉnh có sự chuyển dịch mạnh về diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm chân trắng như: Bến Tre đạt 18,3 nghìn tấn, tăng 9,7 nghìn tấn; Trà Vinh 8,9 nghìn tấn, tăng 7,9 nghìn tấn; Bạc Liêu 8,2 nghìn tấn, tăng 7,1 nghìn tấn; Tiền Giang 5,3 nghìn tấn, tăng 3,7 nghìn tấn. Nhìn chung, sự chuyển dịch cơ cấu này mang tính tự phát dẫn đến khó kiểm soát về dịch bệnh và môi trường. Trong thời gian tới, cần có kế hoạch đầu tư cụ thể và khoa học đối với đối tượng tôm chân trắng nuôi tại các địa phương để tránh tình trạng nguồn cung dư thừa, dẫn đến giá giảm và thua lỗ.
Là một trong những tỉnh có sự chuyển dịch lớn nhất về diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm chân trắng, UBND tỉnh Bến Tre đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch về diện tích nuôi tôm chân trắng theo hướng phát triển bền vững (bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định xã hội) và xác định tôm chân trắng là một trong những mặt hàng chiến lược của Bến Tre, là sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
Bản quy hoạch đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể: Đối với diện tích nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh sẽ chuyển 428 ha sang nuôi tôm chân trắng và sẽ còn lại 4.072 ha. Diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến chuyển 202 ha sang nuôi tôm chân trắng, còn lại 13.149ha. Diện tích nuôi tôm sú - lúa chuyển 1.280ha sang nuôi TCT, còn lại 7.620 ha. Việc quy hoạch tôm chân trắng được thực hiện dựa trên lợi thế giữa các đối tượng nuôi; không để xung đột với các đối tượng khác trong vùng quy hoạch; áp dụng những thành tựu về khoa học công nghệ, những kỹ thuật tiên tiến trong quy trình nuôi tôm thâm canh; khoanh vùng nuôi tập trung hợp lý, kiểm soát được dịch bệnh, môi trường; tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho một lượng lớn lao động tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc nuôi đối tượng này.
Dự kiến đến năm 2015, diện tích nuôi tôm chân trắng toàn tỉnh Bến Tre đạt 4.390 ha, năm 2020 đạt 7.820 ha và định hướng đến 2030 đạt 8.300 ha. Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,1%/năm giai đoạn 2014-2015, 12,2%/năm giai đoạn 2016-2020 và 0,6%/năm giai đoạn 2021-2030.
Theo Fistenet