Người dân xử lý ao nuôi tôm để thả giống.
Những tháng đầu năm 2020, toàn huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) đã thả nuôi được hơn 1.619ha tôm biển thâm canh và bán thâm canh, với trên 1,1 triệu post tôm giống, trong đó chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, tập trung tại các xã: Bình Thới, Thạnh Phước, Định Trung, Đại Hòa Lộc, Thừa Đức, Thạnh Trị. Sản lượng thu hoạch đến nay ước đạt 2.763 tấn, với diện tích hơn 467ha.
Sau hạn hán, xâm nhập mặn và đại dịch Covid-19, hiện nay độ mặn đã giảm, giá tôm nguyên liệu đang ở mức người nuôi có lãi, nghề nuôi tôm biển trên địa bàn huyện đang dần đi vào ổn định. đa số các hộ nuôi tôm đều đã ý thức và chủ động áp dụng các quy trình nuôi hiện đại, nhằm giảm thiểu rủi ro và thân thiện với môi trường. Những ngày này, các hộ nuôi tôm tại các địa phương trong huyện đã cơ bản hoàn thành công tác cải tạo ao hồ, làm sạch môi trường ao nuôi, đắp lại đê, bờ bao và bắt đầu thả giống theo lịch thời vụ khuyến cáo năm 2020.
Toàn huyện phấn đấu trong năm 2020, thả giống tôm biển thâm canh và bán thâm canh với diện tích 5.000ha. Hiện nay, bà con nông dân đang tập trung thả giống đồng loạt, phấn đấu đến hết tháng 7-2020 thả dứt điểm. Nhằm giúp người nuôi chủ động trong sản xuất, hạn chế thiệt hại, ngành chuyên môn khuyến cáo người nuôi thả giống phù hợp theo độ mặn từng vùng, áp dụng quy trình kỹ thuật từ khâu cải tạo ao, xử lý nước, quản lý môi trường. Giống nuôi phải đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chọn cơ sở có uy tín và được xét nghiệm sạch các bệnh nguy hiểm, mật độ và kích cỡ giống thả nuôi phù hợp, như: tôm chân trắng từ 60 – 80 con/m2, tôm sú từ 20 – 25 con/m2, áp dụng biện pháp ương tôm giống trước trong diện tích nhỏ và tiếp tục thực hiện nuôi tôm theo hình thức nhiều giai đoạn, nuôi theo bể tròn, nổi, nuôi lót bạt che lưới lan… đồng thời thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin thời tiết, các khuyến cáo, thông báo kết quả quan trắc môi trường.
Nguồn: Báo Đồng Khởi