Quan trắc môi trường vùng nuôi thủy sản.
Trong đợt thu ngày 22/05/2019 có 02/36 mẫu giáp xác phát hiện bị nhiễm bệnh đốm trắng, kết quả cụ thể như sau:
2 mẫu giáp xác tự nhiên nhiễm đốm trắng đó là mẫu giáp xác ở Rạch Vàm Rỗng Huyện Thạnh Phú và Rạch Xẻo Rạo ở huyện Ba Tri.
Qua kết quả quan trắc cho thấy tỷ lệ mẫu giáp xác tự nhiên phát hiện bị nhiễm bệnh đốm trắng là 5,55% giảm so với kỳ trước (50%). Cụ thể: huyện Bình Đại 0% giảm so với kỳ trước (42,85%), huyện Ba Tri 10% giảm so với kỳ trước (70%) và huyện Thạnh Phú 8,33% giảm so với kỳ trước (41,66%).
Qua kết quả phân tích, bệnh đốm trắng xuất hiện ở các kênh rạch tự nhiên trên địa bàn 03 huyện ven biển giảm so với kỳ trước. Hiện nay, đang chuyển từ mùa khô sang mùa mưa nên các yếu tố thời tiết diễn biến phức tạp theo hướng bất lợi cho tôm nuôi, đặc biệt là nhiệt độ tăng cao vào ban ngày là điều kiện thuận lợi để các bệnh nguy hiểm bùng phát. Nắng nóng còn làm cho nước ao bốc hơi nhanh, độ mặn trong ao cũng tăng theo, tôm dễ phát sinh bệnh hoại tử gan tụy (EMS). Ngoài ra, yếu tố môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột dẫn đến hiện tượng tôm yếu, mất khả năng đề kháng, dễ mắc bệnh và chết đột ngột. Vì vậy người nuôi tôm cần chú ý:
- Tuyệt đối không được lấy nước trực tiếp vào ao nuôi từ các kênh bị nhiễm bệnh đốm trắng.
- Nhiệt độ thích hợp cho ao nuôi tôm dao động 27 - 31°C. Để khắc phục tình trạng nhiệt độ và độ mặn tăng cao, cần duy trì mực nước trong ao từ 1,2 - 1,5m. Khi nước bị rò rỉ và bốc hơi làm mực nước giảm hoặc khi nước trong ao có màu đậm, cần cấp nước từ từ (khoảng 20 - 30% lượng nước trong ao); cấp nước vào lúc trời mát, qua ao lắng có xử lý.
Khi lấy thêm nước, cần kết hợp sử dụng vôi nông nghiệp (CaCO3) từ 10 - 15kg/1.000m3nước. Bón vôi khi trời tối (21 - 22 giờ) và có thể lặp lại 2 - 3 lần cho đến khi các yếu tố môi trường trong vuông tôm trở lại ngưỡng thích hợp.
Duy trì pH trong ngưỡng thích hợp (7,5 - 8,5). Nếu pH thấp hơn hoặc cao hơn, phải thay nước và bón vôi Dolomite hoặc vôi nông nghiệp với lượng 150 - 300kg/ha. Định kỳ dùng vôi nông nghiệp 7 - 10 ngày/lần vào buổi tối với lượng 10 - 15kg/1.000m3 để ổn định pH và hàm lượng kiềm trong ao, tạo điều kiện cho tôm lột xác.
- Trong điều kiện nắng nóng tránh mật độ tảo phát triển làm pH biến động lớn trong ngày, nên bổ sung nước từ ao lắng đã qua xử lý khi cần thiết, định kỳ bổ sung vi sinh có ích nhằm ổn định mật độ tảo và màu nước ao. Thường xuyên theo dõi kiểm tra sức khỏe tôm nuôi, nhằm định kỳ bổ sung các loại khoáng, vitamin, primex,…vào khẩu phần ăn nhằm giúp tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi.
Nguồn: Theo Chi cục Thủy Sản Bến Tre