Sau thời gian dài dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt, đến nay tình hình này đã được khắc phục một phần. An Minh là một trong những huyện của tỉnh Kiên Giang có diện tích nuôi tôm lớn; hơn 50.000 ha trong đó nuôi tôm quảng canh theo mô hình tôm - lúa.
Hiệu quả cao…
Ông Võ Hoàng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện An Minh cho biết: Diện tích tôm - lúa phát triển mạnh nhất thuộc các xã Đông Hưng A, Vân Khánh và Vân Khánh Đông đang mang lại hiệu quả cao. Từ đầu năm đến nay, diện tích tôm - lúa thả nuôi được 37.549/35.000 ha, bằng 107,28% kế hoạch (trong đó thả nuôi tôm - lúa có cải tiến được 640/700 ha, thu hoạch dứt điểm năng suất ước đạt 0,3 tấn/ha). Những tháng đầu vụ, thời bất ổn đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng tôm; 11.580 ha bị thiệt hại với sản lượng thu hoạch được 935 tấn. Đến nay, tổng diện tích tôm lúa đã thu hoạch được 24.029 ha, năng suất bình quân ước đạt 0,23 tấn/ha, sản lượng 5.589 tấn; lũy kế 6 tháng tổng sản lượng tôm trong vùng tôm - lúa được 6.524 tấn.
Hiện, mô hình tôm - lúa đang được nhân rộng ở ĐBSCL - Ảnh: Trần Út
Ông Huỳnh Văn Hòa, tổ 3, ấp Thuồng Luồng, xã Đông Hưng A, huyện An Minh, một trong những nông dân sản xuất theo mô hình lúa - tôm đầu tiên ở địa phương, kể: "Gia đình tôi có 4 ha ruộng, trước đây làm lúa - cá nhưng càng làm càng thua lỗ và đã nợ quá hạn ngân hàng huyện gần 30 triệu đồng, chưa kể tiền vay bên ngoài. Sau khi "bửa" đập Xẻo Nhào - kênh Chống Mỹ (năm 2003) và được Nhà nước múc kênh mới, gia đình tôi chuyển sang làm tôm - lúa. Từ đó đến nay, vụ nào cũng lãi hơn 100 triệu đồng từ tôm, chưa tính tiền bán hơn 400 giạ lúa. Xã Đông Hưng A hiện có 95% số hộ nuôi lúa - tôm có lãi. Nông dân trong xã đã cải tạo xong vuông bao để sản xuất đúng mô hình "con tôm ôm cây lúa". 6 tháng đầu năm nay, huyện An Biên đạt sản lượng 11.900 tấn tôm - lúa (đạt 37,3% kế hoạch năm).
Nhưng tránh phá vỡ quy hoạch
>> Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, ĐBSCL chịu tác động của biến đổi khí hậu nặng nhất so với toàn quốc, có thể có đến 2,4 triệu ha bị nước biển xâm nhập mặn, nhiều diện tích chuyên trồng lúa 2 vụ/năm sẽ không thể sản xuất được do nước mặn tràn vào. Lúc đó, mô hình canh tác một vụ lúa, một vụ tôm là thích ứng nhất. TS Nguyễn Văn Hảo, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2: "Con tôm sú sau nhiều năm nuôi tại ĐBSCL cho kết quả cao, nhưng yếu tố môi trường là điều rất quan trọng, vì vậy trồng lúa trên đất nuôi tôm là cách làm cải tạo môi trường rất tốt. Đây là mô hình đã được khuyến cáo nhiều năm vì mức độ bền vững của nó. Con tôm nuôi theo mô hình này hoàn toàn sạch bệnh, kể cả cây lúa cũng vậy, do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều nên chất lượng cao. |
Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, đối với các vùng quy hoạch sản xuất tôm - lúa, cần hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi đồng bộ, đảm bảo điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi tôm, trồng lúa theo từng vùng, tiểu vùng trên cơ sở quy hoạch chung. Cần chủ động kiểm soát, quản lý nguồn nước, nồng độ mặn và chất lượng nước theo yêu cầu sản xuất tôm - lúa; đầu tư trang thiết bị để kiểm nghiệm chất lượng tôm giống, xét nghiệm và cho kết quả nhanh dịch bệnh ở tôm. Thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm quy mô lớn và có khả năng ứng phó cao, phòng tránh rủi ro do biến đổi khí hậu. Hướng dẫn, tập huấn cho nông dân các biện pháp kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho tôm, xử lý tôm nuôi bị nhiễm bệnh và chết; tiếp tục đầu tư nghiên cứu, lai tạo ra nhiều giống lúa có khả năng chịu mặn tốt, kháng sâu bệnh, năng suất và chất lượng tốt…; sản xuất tôm giống sạch bệnh, chất lượng cao.
Theo ông Việt, đối với nông dân vùng sản xuất tôm - lúa ở tại địa phương, cần trang bị kiến thức, thay đổi dần tập quán sản xuất truyền thống bằng phương pháp sản xuất mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất tôm, lúa. Giữ vững tính bền vững liên hoàn của mô hình sản xuất tôm - lúa, không chạy theo lợi nhuận tôm khi có giá cao trên thị trường mà phá vỡ mô hình làm phát sinh nhiều hệ lụy bất lợi.
Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, cho rằng cần phải thấy giá trị mô hình tôm - lúa và kiên quyết thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương và các đoàn thể, vận động người dân hiểu được lợi ích việc làm một vụ lúa trên đất nuôi tôm; nếu thấy tôm có giá mà bỏ lúa thì nỗ lực bấy lâu nay sẽ trở về số không.
>> Theo ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL, từ năm 2000 đến nay, diện tích sản xuất theo mô hình tôm - lúa liên tiếp tăng. Kiên Giang từ 20.000 ha năm 2003, nay lên 60.000 ha; Cà Mau từ 15.000 ha, nay lên hơn 25.000 ha; Bạc Liêu từ 10.000 ha, nay lên 21.000 ha… Mô hình luân canh tôm - lúa đem đến lợi nhuận cho nông dân 27,5 triệu đồng/ha/năm…
Thủy sản Việt Nam