Đen mang là hiện tượng mang của tôm nuôi từ màu trắng trong bình thường chuyển sang màu đen, hoặc nâu do các tác nhân sinh hóa học. Mang bị đen mất khả năng trao đổi oxy, điều hòa áp suất thẩm thấu, bài tiết độc chất nên làm cho tôm suy yếu, nghiêm trọng hơn có thể gây chết hàng loạt.
1. Nguyên nhân:
Trong ao nuôi tôm, nền đáy dơ bẩn, nhiều khí độc, nhiều chất hữu cơ tích tụ là nguyên nhân cơ bản nhất gây nên bệnh đen mang. Tôm thả mật độ cao sống trong nước nuôi nhiều khí độc, đáy ao dơ trở nên suy yếu và dễ bị các tác nhân sinh hóa có hại xâm nhiễm trên mang gây bệnh đen mang. Các tác nhân sinh hóa này bao gồm:
- Chất hữu cơ hoặc xác tảo tàn bám trên mang.
- Khí độc, hóa chất.
- Các kim loại nặng kết tủa lên mang tôm.
- Do các loại nấm như Fusarium solani, Aspergillus, cũng có thể gồm nấmKinsiella dubia và Haliphthoros spp nhưng hiếm thấy hơn.
- Ngoại kí sinh gồm nguyên sinh động vật (Lagenophrys), sợi khuẩn (Leucothrix mucor).
- Vi khuẩn, thường do Vibrio sp..
2. Dấu hiệu bệnh lý:
Tại ao: đáy ao yếm khí, nhiều bùn đen, tảo dày, khí độc cao. Đặc biệt, bệnh đen mang thường xuất hiện trong ao nuôi mật độ cao (trên 60 con/m2), sục khí không đủ, không thay nước, ít sử dụng vi sinh xử lý đáy.
Nước và đáy ao dơ là nguyên nhân chủ yếu gây đen mang trên tôm
Trên tôm:
Màu đen trên mang là do lắng đọng sắc tố đen melanin tại vị trí mang bị tổn thương do nấm hoặc vi khuẩn. Trước khi chuyển đen, mang chuyển màu từ hơi đỏ tới nâu sáng và cuối cùng là đen.
Các vết thương bị melanize hóa trên mang lan rộng, có thể kèm theo hoại tử chóp râu, roi, cuống mắt, telson, phụ bộ trong trường hợp bị nhiễm nấm.
Tôm đen mang
3. Xác định đoán tác nhân gây bệnh:
Kiểm tra chất lượng nước và đáy ao là yêu cầu đầu tiên khi xác định bệnh. Chóp đầu tơ mang tôm có thể bị tổn thương và chuyển đen do môi trường ô nhiễm, các loại vật chất hữu cơ bám vào mang tôm hoặc do tác động của các khí độc như ammonia ,H2S tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm xâm nhập.
Có thể kết hợp với các phương pháp kiểm tra tại phòng thí nghiệm nhằm đưa ra nguyên nhân chính xác.
- Soi tươi mẫu mang đen dưới kính hiển vi.
Nấm: kiểm tra dưới kính hiển vi (X100 - 200) của mô mang nhiễm bệnh thấy bào tử hình xuồng (canoe) trong hoặc trên mặt vết thương do nấm Fusarium sp..
Sợi nấm và bào tử nấm Fusarium solani nhiễm trên mang tôm soi dưới kính hiển vi (nhuộm màu dương).
Tôm thẻ đen mang do nhiễm nấm Aspergillus flavus (bên phải, thấy mang rất đen so với tôm khỏe (bên trái)
Sợi nấm Aspergillus flavus quan sát dưới kính hiển vi. (A) mang bình thường, (B) mẫu mang nhiễm nấm dưới kính hiển vi, (C, D) sợi nấm phát triển ra ngoài mang, (E) sợi nấm bên trong lá mang, (F) bào tử nấm nhìn thấy ở khoảng trống bên trong lá mang.
Có thể cấy phân lập nấm từ mẫu mang tôm bệnh như sau: rữa mẫu mang 3 lần với nước muối sinh lý, cấy vào môi trường PDA (Potato Dextrose Agar) có bổ sung Ampicillin Na và Streptomycin sulfate (25µg/mL) nhằm ức chết vi khuẩn. Cho đĩa cấy vào tủ ủ ở 250C trong 2 – 4 ngày. Cấy thuần từ bào tử đơn. Định danh nấm dưới kình hiển vi.
Ngoại kí sinh: sợi khuẩn và nguyên sinh động bám dày đặc trên mang tôm dễ dàng nhìn thấy dưới kính hiển vi.
Ở giai đoạn đầu, sợi khuẩn và nguyên sinh động vật không gây các vết melanin trên mang nên chỉ làm cho mang chuyển màu sang vàng tới nâu nhạt, gây ngạt cho tôm. Giai đoạn sau, vi khuẩn hiệp nhiễm trên mang sẽ làm mang chuyển sang đen.
Nguyên sinh động vật kí sinh trên mang tôm mật độ cao gây ra các chấm màu đen trên mang.
- Kiểm tra vi khuẩn
Vi khuẩn nhiễm trên mang thường làm mang chuyển màu từ hơi đỏ đến nâu sáng, ít khi chuyển đen hoàn toàn.
Có thể kiểm tra mật số vi khuẩn trong môi trường bằng cấy mẫu nước trên đĩa thạch TCBS.
3. Ảnh hưởng của bệnh
Mang bị melanize hóa sẽ mất đi chức năng bình thường của mang, ảnh hưởng đến hô hấp, điều hòa áp suất và bài tiết.
Mặt khác, tôm bị đen mang có chu lột xác ngắn hơn nhằm loại bỏ mang bị tổn thương. Lột xác là quá trình tốn hao năng lượng, suy giảm nguồn sống và dễ bị tấn công bởi kẻ thù. Tôm đen mang thường kiệt sức rất nhanh và không có sức chống chịu áp lực môi trường như tôm khỏe.
4. Giải pháp
Nếu bệnh gây ra do nấm, rất khó điều trị, chỉ có thể loại bỏ tôm bệnh và cải tạo chất lượng nước. Tôm bệnh do nấm chỉ có thể hồi phục 30%.
Nguyên sinh động vật có thể diệt bằng thuốc tím, đồng sulfate, Formalin. Các hóa chất này có liều lượng rất khác nhau tùy theo môi trường nước nên khó đưa ra liều khuyến cáo.
Thông thường tình trạng đen mang trong ao nuôi tôm thương phẩm là do vi khuẩn, xuất phát từ chất lượng nước xấu, đáy ao dơ (hiếm khi tìm thấy nấm). Có thể xử lý như sau:
Hạn chế bổ sung thêm nguồn hữu cơ (ví như cho ăn, xử lý các thuốc – hoà chất hữu cơ, diệt rong tảo): giảm 50% thức ăn trong 2 - 3 ngày, tuỳ tỉ lệ đen mang trong chài. Cho ăn lượng thức ăn nhỏ, ven bờ trong thời gian ngắn để hạn chế hao tổn oxy. Trộn kháng sinh hoặc vi sinh vào thức ăn (nếu kết quả cấy khuẩn thấy mật độ khuẩn cao thì nên ăn kháng sinh).
Diệt khuẩn nước: 5ppm Sodium percarbonate (oxy viên) 50% xuống đáy và 1ppm BKC 50% trong nước, có thể lập lại sau 3 – 4 ngày. Trước và sau khi diệt khuẩn ít nhất 3 giờ nên xử lý vitamin C và khoáng nhằm tăng sức chịu đựng cho tôm.
Sau khi diệt khuẩn phải liên tục xử lý men – vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước và đáy ao.
Có thể làm thông thoáng nước bằng cách thay 20 - 30% nước mỗi ngày. Lưu ý, khi thay nước phải dựa vào lịch sử thay nước của ao, nếu ao chưa từng thay nước thì không nên áp dụng biện pháp này.
Sa lắng và khoáng hoá chất thải hữu cơ dưới đáy ao bằng oxy viên và vôi canci (10 – 20 kg/1000m3) hoặc khoáng canci, magie (20kg/1000m3).
Tăng sức đề kháng cho vật nuôi: cho ăn hỗn hợp vitamin, Beta-glucan và men-vi sinh trong các cữ không ăn kháng sinh.
Nguồn: Thuysan247