Đây là một số kinh nghiệm trong công tác phòng và xử lý khi tôm nuôi bị bệnh phân trắng, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Trị muốn chia sẽ để bà con nuôi tôm tham khảo.
Tôm bị bệnh phân trắng
Để tránh xảy ra dịch bệnh phân trắng trên ao nuôi tôm của mình, chúng ta cần lưu ý phòng bệnh là yếu tố đặt lên hàng đầu. Muốn làm tốt khâu phòng bệnh, chúng ta cần chú ý đảm bảo các yếu tố sau:
1. Quản lý tốt các yếu tố môi trường
Việc quản lý các yếu tố môi trường nước ao nuôi là điều vô cùng quan trọng, khi các yếu tố này được ổn định ở ngưỡng thích hợp sẽ giúp tôm phát triển tốt hơn, phòng tránh dịch bệnh phân trắng và các bệnh khác. Bà con cần thực hiện tốt các khâu sau:
- Nên có ao lắng chứa nước để chủ động nguồn nước sạch, sau đó tiến hành cấp nước vào ao xử lý qua túi lọc. Ao xử lý có thể thả thêm cá rô phi (1-2 con/m2) với mục đích làm sạch nước và tạo thêm nguồn thu nhập.
- Ao nuôi cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thả giống. Đối với ao đất cần phải loại bỏ hoàn toàn toàn bộ chất cặn bả, bùn đen trước khi cày bừa, xới xáo đất. Phơi đáy và bón vôi toàn bộ đáy ao với liều lượng 1.000kg đến 1.500 kg/ha.
- Ổn định pH nước trong khoảng thích hợp 7,5 - 8,5 (dao động trong ngày không quá 0,5). Duy trì hệ thống quạt nước sao cho hàm lượng oxy hòa tan trong ao nuôi luôn ở mức lớn hơn hoặc bằng 4 ppm trước lúc bình minh.
- Duy trì tảo ở mật độ thích hợp: Trong ao nuôi tôm, mật độ tảo rất quan trọng, không được quá dày hay quá thưa. Phải thường xuyên duy trì độ trong của nước từ 30-40cm.
- Mùa nắng nóng nên duy trì độ sâu nước trong ao vào khoảng 1,5 - 1,8 m để ổn định nhiệt độ nước.
- Định kỳ 7 - 10 ngày/ lần cấy vi sinh để tăng cường mật độ vi khuẩn có lợi trong ao nuôi hoặc 7 - 10 ngày/ lần diệt khuẩn ao nuôi kết hợp cấy men vi sinh trở lại sau 48 giờ.
2. Quản lý thức ăn
Việc kiểm soát và điều chỉnh lượng thức ăn là vấn đề rất quan trọng trong nuôi tôm. Nếu lượng thức ăn dư sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước, tảo bùng phát mạnh, vi khuẩn có hại phát triển, khí độc nhiều gây stress cho tôm nuôi dẫn đến phát sinh các loại bệnh, trong đó có bệnh phân trắng. Đặc biệt khi dư thức ăn còn gây lãng phí, giảm lợi nhuận cho người nuôi.
Trong 20 ngày đầu mới thả nuôi, cho tôm ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất thức ăn. Từ ngày nuôi thứ 21 sử dụng nhá để kiểm tra lượng thức ăn hàng ngày (01 ao chỉ cần sử dụng 01 nhá để kiểm tra).
Từ ngày 21 đến ngày nuôi thứ 30, lượng thức ăn bỏ vào nhá chiếm 3% lượng thức ăn mỗi bữa, thời gian kiểm tra nhá sau 1 giờ 30 phút.
Trong tháng nuôi thứ hai: lượng thức ăn bỏ vào nhá chiếm 5% lượng thức ăn mỗi bữa, thời gian kiểm tra nhá sau 1 giờ 15 phút.
Trong tháng nuôi thứ ba: lượng thức ăn bỏ vào nhá chiếm 7% lượng thức ăn mỗi bữa, thời gian kiểm tra nhá sau 1 giờ 00 phút.
Trong quá trình nuôi, cần bổ sung thêm các men tiêu hóa có lợi cho đường ruột tôm. Các loại men vi sinh này có tác dụng đưa các loại vi sinh có lợi vào đường ruột của tôm và ức chế các vi khuẩn có hại trong đường ruột, đảm bảo đường ruột hấp thụ thức ăn tốt, giúp tôm tăng trưởng nhanh và khả năng kháng bệnh tốt hơn.
3. Quản lý sức khỏe tôm nuôi
Hàng ngày quan sát hoạt động bắt mồi và sức khỏe của tôm trong ao, xem biểu hiện bên ngoài của tôm thông qua màu sắc, phụ bộ, thức ăn trong ruột,… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường kịp thời xử lý.
Sử dụng ít nhất từ 01 sàn ăn trở lên để kiểm tra sức khỏe tôm nuôi và điều chỉnh khẩu phần ăn cho hợp lý.
Định kỳ từ 7 - 10 ngày chài tôm (Sau 45 ngày tuổi) để xác định tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng, sức khỏe tôm cũng như xác định trọng lượng, sản lượng tôm trong ao nhằm điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Tăng cường bổ sung vitamin C, men tiêu hóa đường ruột, khoáng chất cần thiết và có thể bổ sung thêm nhóm dinh dưỡng tăng cường chức năng gan, giải độc gan trộn cho tôm ăn hàng ngày.
4. Một số công việc cần làm khi phát hiện tôm bị bệnh phân trắng
Nếu phát hiện tôm nuôi bị bệnh phân trắng, trong trường hợp nhẹ, bà con có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Ngưng cho ăn tức thời từ 01 - 02 ngày.
- Thay nước từ 30 - 50% lượng nước trong ao, tăng cường quạt nước, diệt khuẩn; sau 48 giờ cho bón men vi sinh cải thiện môi trường nước và phân hủy chất hữu cơ đáy ao.
- Sau đó, bà con tiến hành cho ăn lại với khoảng 50% lượng thức ăn hiện tại, nếu tiến triển tốt sẽ tăng dần lượng thức ăn lên. Thức ăn được trộn men vi sinh liều cao để kích thích tiêu hóa và ức chế vi khuẩn gây bệnh trong đường ruột tôm nuôi.
Bà con có thể lặp lại từ 2 - 3 lần biện pháp trên, đảm bảo bệnh sẽ giảm hoàn toàn.
Trường hợp phát hiện muộn, bệnh khá nặng, bà con vẫn tiến hành các bước xử lý như trên, nếu tôm vẫn giảm ăn và dấu hiệu bệnh vẫn còn thì nên thu hoạch ngay để giảm thiểu thiệt hại.
Nguồn: TTKN Quảng Trị