Mặc dù được ghi nhận trong thức ăn gia súc, nhưng các ứng dụng của bột trứng trong thức ăn thủy sản vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân chính là quá ít nghiên cứu thử nghiệm về sản phẩm này tại trại nuôi thủy sản.
Chế biến và thành phần
Bột trứng gà sấy khô, loại dùng làm thức ăn chăn nuôi được chế biến từ trứng gà 100% nguồn gốc từ Mỹ và được tách dịch trứng từ vỏ. Dịch trứng sau đó được phun sấy khô để tạo thành bột mịn rất dễ sử dụng. Quy trình này gồm khâu tiệt trùng nhằm giảm thiểu các rủi ro an toàn sinh học. Tuy nhiên, không được nấu chín trứng ở nhiệt độ cao. Quá trình chế biến ở nhiệt độ thấp đảm bảo các axit amin nhạy nhiệt như lysine vẫn còn nguyên vẹn. Một sản phẩm trứng sấy khô chất lượng cao khi được phân tích phải chứa hơn 90% lysine và trên 95% pepsine.
Toàn bộ thành phần dinh dưỡng có trong trứng gà khác biệt so các thành phần thức ăn thủy sản truyền thống. So sánh với khô đậu tương, thành phần protein của bột trứng cũng xấp xỉ; các thành phần axit amin cũng vượt bột cá, trên 80% (bảng). Ngoài ra, bột trứng rất giàu phospholipids (12%); trong số này có 75% là phosphatidylcholine và chứa hàm lượng rất cao cholesterol (xấp xỉ 16.000 mg/kg). Cả hai thành phần phospholipids và cholesterol đều có những giá trị dinh dưỡng quan trọng và không thể thay thế với nhiều loại thủy sản nuôi.
Nguồn thức ăn thủy sản hữu ích
Dựa theo các thông tin từ Viện nghiên cứu quốc gia Mỹ (NRC, 2006; 2011), thành phần axit amin của protein trong bột trứng đáp ứng nhu cầu của nhiều loại tôm, cá tốt hơn hẳn các thành phần thức ăn thủy sản truyền thống hiện nay. Protein từ trứng đặc biệt giàu axit amin sulfur (methionine và cysteine). Nhờ đó, bột trứng gà có khả năng thay thế một phần lớn bột cá mà không gặp phải rủi ro giảm giá trị của các axit amin thiết yếu. Bột trứng gà là nguồn dinh dưỡng thích hợp nhất cho những vật nuôi thủy sản có nhu cầu protein và năng lượng cao như cá hồi, cá hồi vân hoặc các vật nuôi cần một chế độ dinh dưỡng độc đáo như tôm (cholesterol và phospholipids).
Trong thức ăn của tôm phải phụ thuộc vào phụ gia như cholesterol, phospholipids hoặc cả hai, trứng gà là sự lựa chọn sáng suốt bởi nó mang lại rất nhiều lợi ích. Mỗi kg trứng được bổ sung vào 1 tấn thức ăn có thể giúp người nuôi cắt giảm được gần 0,75 kg bột cá; 0,02 kg cholesterol tổng hợp và 0,12 kg phospholilipids bổ sung. Nếu cộng chi phí của 3 nguồn phụ gia này lại, có thể thấy số tiền tiết kiệm được không hề nhỏ. Do đó, khẳng định bột trứng gà là nguồn dinh dưỡng thủy sản kinh tế là có cơ sở.
Tuy nhiên, hàm lượng lipid trong thức ăn nên được điều chỉnh khi kết hợp với bột trứng gà. Trứng gà khô chứa gần 40% lipid, gồm 13% lipid bão hòa (33% lipid trong trứng gà khô là bão hòa). Để duy trì được tổng lipid và lipid bão hòa ở mức độ hợp lý cho tôm, thì tỷ lệ bổ sung bột trứng gà tối đa trong công thức thức ăn ước tính khoảng 6 - 8%. Ngoài ra, với tỷ lệ bổ sung trứng gà 6% (60 kg/tấn thức ăn), người nuôi tiết kiệm được gần 45 kg bột cá, 1 kg cholesterol và 7 kg phospholipids.
Thức ăn của cá hồi và cá hồi vân cần một lượng lớn protein và năng lượng, trứng gà lại trở thành một sự lựa chọn hoàn hảo. Thành phần axit amin trong bột trứng gà đáp ứng tốt nhu cầu dinh dưỡng của các loại cá nói trên. Trái ngược với thức ăn tôm, chất béo bão hòa trong bột trứng gà mang lại nhiều lợi ích cho cá mà nhiều loại thức ăn chứa dầu cá hay dầu thực vật không có được.
Thực tế, bột trứng gà khô đã được sử dụng nhiều trong ngành chăn nuôi heo. Ở giai đoạn nuôi khởi đầu tại trại heo giống, trứng gà khô đã thay thế phần nào những nguyên liệu thức ăn đắt tiền như huyết tương và bột cá. Bột trứng gà mang lại giá trị dinh dưỡng tương tự trong thức ăn cho ấu trùng thủy sản.
Mặc dù bột trứng gà có giá trị dinh dưỡng lớn trong thức ăn thủy sản, nhưng các ứng dụng thực tế vẫn còn rất hạn chế. Ngoài lo sợ thiếu căn cứ như trứng gà đắt tiền hay nguồn cung không sẵn có, thì nguyên nhân lớn nhất là các nghiên cứu thử nghiệm về bột trứng gà trong NTTS vẫn còn hạn chế. Gỡ bỏ được nút thắt này, bột trứng gà mới có cơ hội ứng dụng rộng rãi hơn nữa trong ngành thức ăn thủy sản.
Nguồn: Con tôm