Biết rõ quy định chỉ được nuôi thâm canh công nghiệp nhưng nhiều hộ nông dân ở các huyện vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) vẫn tự ý mua giống tôm thẻ chân trắng về thả nuôi quảng canh theo hình thức tôm - lúa.
Trong khi đó, cơ quan quản lý rất lúng túng, vì không thể xử phạt.
Dễ nuôi, mau thu hoạch
Tôm thẻ chân trắng (TTCT) được người dân huyện Vĩnh Thuận lén lút thả nuôi trên nến đất lúa từ 3 - 4 năm nay, với diện tích ban đầu khoảng vài trăm ha. Sau đó, đã lan rộng ra các huyện còn lại trong vùng U Minh Thượng như An Biên, An Minh và U Minh Thượng. Do nuôi tự phát nên không thể thống kê nhưng ước tính diện tích hiện đã lên đến cả chục ngàn ha. Hình thức nuôi TTCT cũng được nông dân “biến hóa” như nuôi lấp vụ sau khi tôm sú bị dịch bệnh, nuôi ghép với tôm sú, ghép với càng xanh...
Ông Nguyễn Văn T. ở xã Phong Đông, Vĩnh Thuận đã gắn bó với nghề nuôi tôm - lúa 15 năm qua cho biết: “Sau nhiều năm nuôi tôm sú, dịch bệnh ngày càng gia tăng, buộc nông dân phải tìm đối tượng khác để mưu sinh. Biết rằng TTCT không được phép nuôi quảng canh nhưng thấy dễ nuôi, chỉ hơn 2 tháng là có thể thu hoạch nên nông dân làm liều. Thấy người này làm được, người khác cũng làm theo nên diện tích ngày càng mở rộng”.
Theo những nông dân đã từng thả nuôi TTCT thì loài này rất phàm ăn và nuôi được mật độ dày nên sản lượng cao hơn so với tôm sú. Đặc biệt là TTCT size nhỏ cỡ 100 con/kg cũng tiêu thụ được.
Lúng túng quản lý
Cách đây mấy năm, khi một số hộ tự phát đưa TTCT vào thả nuôi trong mô hình tôm - lúa, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương xuống tận nơi lập biên bản, yêu cầu cam kết không tái phạm. Sở NN-PTNT Kiên Giang cũng không cho đưa giống TTCT về vùng U Minh Thượng buôn bán. Tuy nhiên, dân vẫn lén lút làm, diện tích cứ lan rộng và tăng từng năm.
Ông Võ Hoàng Nguyên, Trưởng phòng NN-PTNT Vĩnh Thuận cho biết, diện tích thả nuôi tôm của huyện năm nay đạt gần 23.000ha, tăng khoảng 300ha so với kế hoạch. Sản lượng thu hoạch ước đạt 9.200/9.600 tấn, khả năng sẽ đạt trên 10.000 tấn do dân vẫn đang thu hoạch và tiếp tục thả nuôi nối vụ. Ngoài con tôm sú, nông dân còn thả nuôi tôm càng xanh, TTCT hoặc nuôi ghép chung với nhau cũng khá hiệu quả.
Theo ông Nguyên, việc nông dân đưa TTCT vào nuôi trong mô hình quảng canh tôm - lúa là tự phát. Mấy năm trước Sở NN-PTNT có gửi văn bản chỉ đạo không cho phép nuôi, chính quyền địa phương có đi thống kê, lập bên bản... Tuy nhiên, do lợi nhuận nông dân vẫn tiếp tục làm. “Nuôi TTCT quảng canh nông dân dễ bị thua lỗ nếu gặp rủi ro do đầu tư lớn, nhất là về thức ăn. Nếu nuôi ghép, nông dân nên chọn đối tượng là tôm sú và càng xanh sẽ bền vững hơn”, ông Nguyên khuyến cáo.
Giống TTCT được tiêu thụ mạnh ở các huyện vùng U Minh Thượng do nông dân tự phát thả nuôi trong mô hình tôm - lúa.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, ông Quảng Trọng Thao cho biết, từ đầu vụ nuôi tôm nước lợ 2016 đến nay toàn tỉnh thả nuôi được 105.505ha, trong đó nuôi theo hình thức tôm - lúa là 83.365ha, chủ yếu tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng.
“Việc dân thả nuôi TTCT trong mô hình quảng canh tôm - lúa đã diễn ra mấy năm nay nhưng là nuôi tự phát, lén lút nên không thể thống kê diện tích. Mặc dù là không cho nuôi nhưng cũng không có cơ sở nào để xử phạt nên chỉ có thể nhắc nhở, khuyến cáo người dân. Tại một số cuộc họp về phát triển nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL, chúng tôi đã nêu thực trạng về vấn đề này nhưng đến giờ phía Bộ NN-PTNT vẫn chưa có kết luận là có cho nuôi TTCT quảng canh trong mô hình tôm - lúa hay không. Vì vậy, địa phương rất lúng túng trong quản lý”, ông Thao cho biết.
“Ưu điểm của TTCT là thời gian nuôi ngắn, sống được ở độ mặn thấp, nên thích hợp thả nuôi vào đầu vụ hoặc lấp vụ khi quỹ thời gian không còn nhiều. Tuy nhiên, chi phí đầu tư nuôi TTCT rất cao do phải cho ăn từ đầu vụ dù nuôi quảng canh. Nên nếu gặp rủi ro nông dân sẽ lỗ nặng chứ không như nuôi tôm sú”, ông Trần Thành Ch. ở xã Thuận Hòa, An Minh chia sẻ.
Nông Nghiệp Việt Nam