Năm qua, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh (STC) ở huyện Cái Nước phát triển mạnh, mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng trên cùng diện tích.
Từ chỗ thực hiện thí điểm ở một vài hộ đầu tiên của Hợp tác xã (HTX) nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng, đến cuối năm 2017, mô hình nuôi tôm STC đã phát triển ở nhiều địa phương trong huyện với tổng số 19ha, có 93 hộ nuôi, tập trung nhiều ở các xã Tân Hưng, Đông Hưng, Lương Thế Trân và Hòa Mỹ. Thống kê của ngành chuyên môn, đến cuối tháng 1/2018, toàn huyện có 122 hộ đăng ký thực hiện mô hình, với diện tích 25ha.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại xã Tân Hưng.
Thông qua hình thức nuôi lót bạt hai giai đoạn theo công nghệ Biofloc, năm 2017, mô hình nuôi tôm STC được nông dân huyện thực hiện với tỷ lệ nuôi thành công đạt 85 – 90%, số còn lại phần lớn huề vốn, không có tình trạng thất trắng. Năng suất tôm nuôi bình quân từ 30 – 45 tấn/ha; cá biệt có hộ đạt năng suất 50 tấn/ha. Điển hình như hộ ông Hồ Văn Khen, ấp Tân Hòa, thành viên HTX nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng, với diện tích đầm nuôi 1.800m2, mật độ tôm nuôi 250 con/m2, thời gian nuôi 83 ngày, tôm đạt trọng lượng 52 con/kg, sản lượng thu hoạch hơn 9 tấn, lợi nhuận trên 500 triệu đồng. Ưu điểm của mô hình nuôi tôm STC là không đòi hỏi diện tích lớn, nhưng có thể nuôi được với mật độ cao, thời gian nuôi ngắn, thuận tiện trong khâu quản lý và kiểm soát dịch bệnh, năng suất đạt cao. Vì thế, hiện nay nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp đang chuyển dần sang thực hiện mô hình STC. Trong quá trình chuyển đổi này, việc phát triển mô hình đã bộc lộ những hạn chế, đó là tình trạng xả thải không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn cho nuôi trồng thủy sản trong khu vực. Vì vậy, huyện Cái Nước đã và đang tăng cường công tác quản lý đối với việc phát triển mô hình này.
Ông Nguyễn Trúc Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Phòng tham mưu UBND huyện điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất theo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, mục tiêu đến năm 2020 phát triển vùng nuôi tôm STC tập trung với diện tích 500ha. Trước mắt, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nhân dân khắc phục những hạn chế, tuân thủ nghiêm quy trình nuôi theo quy định. Hộ nuôi phải chấp hành nghiêm các quy định về an toàn lưới điện, hệ thống xử lý nước thải, chất thải để bảo vệ môi trường. Kiên quyết xử lý, cấm không cho nuôi hoặc áp dụng chế tài xử phạt hành chính đối với hộ không đảm bảo các điều kiện cần thiết khi thực hiện mô hình nuôi tôm STC, nhất là việc xử lý nước thải và chất thải.
Để thực hiện thắng lợi vụ mùa năm 2018, ngay trung tuần tháng 1 vừa qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh tổ chức Hội thảo Nuôi tôm năng suất cao cho trên 100 hộ nuôi tôm STC trên địa bàn huyện. Theo kế hoạch, trong năm nay, huyện sẽ tổ chức các cuộc hội thảo và tập huấn chuyên sâu theo nhu cầu của các xã thị trấn, nhằm trang bị kiến thức kỹ thuật vững chắc cho hộ nuôi tôm; đồng thời tăng cường hợp tác với các công ty, doanh nghiệp trong chuỗi liên kết sản xuất, giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế thuỷ sản của huyện phát triển.
Nguồn: Báo ảnh Đất mũi