Nguồn tôm giống sạch này đáp ứng hơn 66% nhu cầu của người nuôi trong tỉnh.
Tôm giống đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định thành công hay thất bại đối với người nuôi. Có nguồn giống sạch để thả nuôi xem như kết quả đạt được từ 70-80%.
Năm 2016, tỉnh Cà Mau phấn đấu sản xuất và cung cấp 8 tỷ con tôm giống sạch cho người nuôi tôm.
Đây là nguồn tôm giống đạt các tiêu chuẩn, sản xuất tại chỗ, ghi rõ xuất xứ của tôm giống và tất cả tôm cung cấp cho người nuôi đều được thông qua kiểm dịch.
Để đáp ứng đầy đủ nguồn tôm giống sạch cho người nuôi tôm, tỉnh Cà Mau đã quy hoạch chương trình phát triển tôm giống giai đoạn 2016 - 2020, theo đó đến năm 2020 sẽ sản xuất 20 tỷ con giống.
Nhân viên kỹ thuật của Công ty Giống thủy sản Thảo Nguyên chăm sóc bể ươm tôm thẻ chân trắng - Ảnh: VASEP
Đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình có điều kiện mở trại sản xuất tôm giống, phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có từ 600-700 trại sản xuất tôm giống. Cùng thời điểm đó, nguồn tôm giống tại chỗ sẽ cung cấp đủ 100% nhu cầu của người nuôi tôm, không phải sử dụng nguồn tôm giống trôi nổi, kém chất lượng như từ trước đến nay.
Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi trồng thủy sản lên tới 290.000 ha, nhưng các trại sản xuất tôm giống tại chỗ chỉ có khả năng đáp ứng 70% nhu cầu cho người nuôi tôm, còn lại phải sử dụng nguồn giống trôi nổi, kém chất lượng, từ đó dẫn tới tình trạng tôm nuôi bị dịch bệnh, năng suất thấp, thiếu tính bền vững.
Đưa khoa học kỹ thuật vào cánh đồng mẫu lớn
Các địa phương vùng trồng lúa tỉnh Bạc Liêu đang tiếp tục vận động nông dân tham gia canh tác trong cánh đồng mẫu lớn để có điều kiện hưởng lợi và đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Tính đến nay, các địa phương đã xây dựng được 40 cánh đồng mẫu lớn, với tổng diện tích hơn 5.580 ha. Riêng năm 2016 sẽ vận động nông dân tham gia sản xuất 1.000 ha cánh đồng mẫu lớn tại 3 huyện Phước Long, Hồng Dân và Vĩnh Lợi.
Tại Bạc Liêu, việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn đã tạo điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng kỹ thuật san phẳng mặt ruộng bằng tia laser cho hiệu quả kinh tế cao, tăng năng suất.
Các địa phương vùng trồng lúa tỉnh Bạc Liêu đang tiếp tục vận động nông dân tham gia canh tác trong cánh đồng mẫu lớn để có điều kiện hưởng lợi và đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Các ngành chức năng của Bạc Liêu đang thực hiện chuyển giao dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật thực hiện các mô hình đa canh trên nền đất lúa trong vùng sản xuất nông nghiệp khó khăn'' tại xã Vĩnh Mỹ A (huyện Hòa Bình). Đây là một trong những dự án được đánh giá cao về tính khả thi, mang lại nhiều triển vọng mới cho nông dân trong phát triển kinh tế gia đình khi cùng lúc áp dụng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả trên cùng một diện tích canh tác.
Bên cạnh đó, các xã xây dựng cánh đồng mẫu lớn còn tổ chức thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm rất hiệu quả như đã thực hiện tại huyện Hồng Dân và Phước Long. Các cánh đồng mẫu lớn cũng được đầu tư và nâng cấp trên 200 ô đê bao khép kín để chống ngập trong mùa mưa và chủ động lấy nước khi cần thiết.
Riêng huyện Phước Long được Trung ương chọn làm điểm chỉ đạo trong xây dựng nông thôn mới, đang khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng hoàn thành xây dựng các xã còn lại để đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trong năm 2016.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các địa phương còn tăng cường việc đầu tư cơ giới hóa và vận động các hộ nông dân có điều kiện mua sắm máy gặt đập liên hợp để phục vụ sản xuất và làm dịch vụ trong vụ hè thu này.
Theo chinhphu.vn