Cà Mau gian nan đường phát triển tôm công nghiệp - Bài 3: Mở hướng phát triển bền vững

Monday,
12/02/2018
0

Cà Mau là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản. Tuy nhiên, theo khảo sát, sau thu hoạch tôm nuôi hầu hết sản phẩm đều bán qua thương lái thu gom. Sau đó thương lái mới bán lại cho doanh nghiệp với giá cao hơn để hưởng chênh lệch giá. Trong khi đầu vào cho sản xuất từ con giống đến thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản và các loại chế phẩm sinh học... từ doanh nghiệp xuống đại lý các cấp mới đến tay người nuôi nên giá thành tăng cao. Từ đó, lợi nhuận sản xuất của người nuôi tôm bị teo tóp dần do thiếu sự liên kết trong sản xuất.


http://tomgiongchauphi.com/uploads/news/2014_10/gian-nan-tom.jpg

Cà Mau là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản. Tuy nhiên, theo khảo sát, sau thu hoạch tôm nuôi hầu hết sản phẩm đều bán qua thương lái thu gom. Sau đó thương lái mới bán lại cho doanh nghiệp với giá cao hơn để hưởng chênh lệch giá. Trong khi đầu vào cho sản xuất từ con giống đến thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản và các loại chế phẩm sinh học... từ doanh nghiệp xuống đại lý các cấp mới đến tay người nuôi nên giá thành tăng cao. Từ đó, lợi nhuận sản xuất của người nuôi tôm bị teo tóp dần do thiếu sự liên kết trong sản xuất.

Thiếu đủ thứ

Ông Trần Văn Của, người nuôi tôm công nghiệp có nhiều kinh nghiệm và thành công ở xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi, nhận định, sự liên kết "bốn nhà" là rất cần thiết để bảo đảm lợi ích của các bên khi tham gia sản xuất, nhất là mỗi khi thị trường biến động. Ðặc biệt, trong sản xuất cần có sự liên kết để chủ động trước những diễn biến thời tiết, dịch bệnh và đầu ra cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Hiền, nuôi tôm công nghiệp ở xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, phân tích: “Hiện nay nhu cầu lớn nhất của người nuôi tôm không chỉ là con giống chất lượng mà có một sự liên kết chặt chẽ giữa những người nuôi tôm, người nuôi tôm với doanh nghiệp và người nuôi tôm với ngành chức năng.

Bởi hầu hết các hộ nuôi tôm công nghiệp đều có xét nghiệm tôm giống trước khi thả nuôi, nhưng sau một thời gian thả nuôi tôm vẫn bị chết. Như vậy, tôm chết do nguồn nước ô nhiễm. Nguyên nhân của việc ô nhiễm nguồn nước là do hệ thống thuỷ lợi chưa đồng bộ khiến cho dòng chảy chưa được thông thoáng. Mặt khác, thiếu sự liên kết trong sản xuất nên có tình trạng khi tôm bệnh thì bơm xả thải trực tiếp ra sông, người kia lại bơm vào khiến tình hình dịch bệnh càng lây lan nhanh, không thể kiểm soát”.

Ông Hiền phân tích thêm: “Trước nguồn nước bị ô nhiễm như hiện nay, người nuôi tôm hạn chế sử dụng thuốc mà chuyển sang sử dụng các loại chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường, giúp việc nuôi tôm an toàn hơn. Ngoài ra, nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học, chi phí sản xuất giảm từ 10-20% so với cách nuôi thông thường. Tôm được nuôi bằng phương pháp này ít bị bệnh, phát triển nhanh, thịt tôm sạch, năng suất và lợi nhuận cao. Với cách nuôi này, vụ tôm vừa qua với 2,5 ha đầm nuôi, tôi thu trên 4 tấn tôm, lãi trên 100 triệu đồng”.

Cần nhiều giải pháp

Ðể giải quyết những bất cập đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đang trong giai đoạn hoàn chỉnh. Trong đó, đề án xác định là tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung hợp lý tất cả các quy hoạch sản xuất của ngành theo hướng phát triển mạnh các đối tượng sản xuất chủ lực của tỉnh, các đối tượng có lợi thế cạnh tranh, đồng thời cũng quan tâm phát triển tốt các đối tượng truyền thống của địa phương tương xứng với tiềm năng và điều kiện của tỉnh, nhằm phát triển theo hướng giá trị gia tăng và đảm bảo yếu tố bền vững.

Sau khi quy hoạch được phê duyệt, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành công bố công khai cho dân biết để thực hiện và kiểm tra việc tuân thủ quy hoạch của người dân. Ðồng thời, rà soát lại hạ tầng thuỷ lợi, điện để có kế hoạch điều chỉnh đầu tư phù hợp, nhằm phục vụ tốt nhu cầu sản xuất. Tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật nuôi tôm cho người dân, bảo đảm người dân phải nắm được các kiến thức cơ bản về nuôi tôm.

Huy động nhiều nguồn vốn khác nhau, đầu tư hạ tầng cho vùng nuôi. Tăng cường công tác quản lý môi trường vùng nuôi, phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi. Quản lý nâng cao chất lượng tôm giống và các vật tư đầu vào phục vụ cho nuôi tôm.

Trong thời gian tới, ngành chức năng sẽ tổ chức liên kết trong chuỗi sản xuất, gắn doanh nghiệp với vùng nuôi (doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp sản xuất giống, doanh nghiệp cung ứng thuốc, thức ăn…) để giảm chi phí trong sản xuất, ổn định đầu ra cho sản phẩm, gia tăng lợi nhuận. Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý của các ngành, địa phương, cử lực lượng cán bộ kỹ thuật cơ sở bám sát vùng nuôi để kịp thời nắm tình hình và xử lý các tình huống phát sinh, phục vụ tốt nhất cho sản xuất./.


Báo Cà Mau
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: