Tỉnh Cà Mau đã đề ra chương trình trọn gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có đủ điều kiện mở trại sản xuất tôm giống tại chỗ.
Thu hoạch tôm tại Cà Mau. (Nguồn: TTXVN)
Đây là chủ trương mới, mang tính đột phá nhằm tiếp tục phát triển chương trình sản xuất tôm giống tại chỗ giai đoạn 2010-2015 đang gặp khó khăn.
Tỉnh giao cho các huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản rà soát doanh nghiệp có năng lực sản xuất tôm giống, tiến hành đăng ký mở trại sản xuất tôm giống; triển khai chương trình hỗ trợ vốn ưu đãi cho doanh nghiệp mới, khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn; thực hiện chương trình ký kết giữa người sản xuất và người mua tôm giống theo hướng lâu dài, qua đó bảo đảm quyền lợi cho bên cung và bên cầu.
Ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký hiệp hội chế biến thủy sản tỉnh Cà Mau, cho biết giải quyết được bài toán tôm giống sẽ giải quyết được nhiều khúc mắc cho xuất khẩu, vì có tôm giống sạch người nuôi tôm sẽ ít gặp rủi ro, sản lượng tôm nuôi tăng, giải quyết được nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến, việc làm cho công nhân.
Theo Chương trình phát triển tôm giống, Cà Mau phấn đấu đến năm 2015 sẽ có thêm 300 trại tôm giống mới, nâng tổng số trại sản xuất tôm giống toàn tỉnh lên 720 trại trở lên, có khả năng cung cấp mỗi năm 14 tỷ con tôm giống cho người nuôi tôm.
Tỉnh Cà Mau hiện có diện tích nuôi trồng thủy sản 290.000ha với nhu cầu tôm giống mỗi năm rất lớn, tương đương với 15 tỷ con.
Từ năm 2010, tỉnh đã triển khai chương trình tôm giống, chỉ tiêu là đến năm 2015 toàn tỉnh có 1.200 trại sản xuất tôm giống, bảo đảm 80% nhu cầu tôm giống cho người nuôi tôm.
Tuy nhiên, số lượng trại tôm giống không tăng, ngược lại giảm rất mạnh. Theo số liệu thống kê từ các huyện, năm 2011 toàn tỉnh có trên 500 trại nhưng hiện nay chỉ còn 420 trại.
Nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa trại sản xuất tôm giống hoặc chuyển đổi ngành nghề chủ yếu do sản xuất thua lỗ./.
TTXVN