Với nhiều ưu điểm trong tình hình hiện nay, nuôi tôm quảng canh cải tiến bậc cao (QCCTBC) đang được Sở NN&PTNT Cà Mau khuyến khích nhân rộng.
Năng suất ổn định
Tỉnh Cà Mau có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế thủy sản; chiều dài bờ biển trên 254 km, diện tích ngư trường khoảng 70.000 km2, thuận lợi cho nuôi tôm. Diện tích nuôi tôm QCCTBC đứng thứ hai sau nuôi tôm quảng canh cải tiến. Mô hình nuôi tôm QCCTBC có nhiều ưu điểm: không đòi hỏi kỹ thuật cao như nuôi tôm công nghiệp; kinh phí đầu tư cho một vụ nuôi không nhiều; phù hợp diện tích của nhiều người nuôi; hạn chế tối đa dịch bệnh; năng suất ổn định; thích ứng tình hình dịch bệnh hiện nay. Trong khi đó, dịch bệnh trên tôm nuôi công nghiệp gây thiệt hại hơn 750 ha/265.000 ha diện tích nuôi tôm toàn tỉnh. Gần 300 ha nuôi công nghiệp đang bị "treo" đầm, nuôi tôm công nghiệp chỉ đạt 50% kế hoạch, hình thức này đang mất ưu thế thì sự lựa chọn nuôi tôm QCCTBC đang dần thay thế. Năng suất trung bình 800 kg/ha, gấp đôi so với nuôi quảng canh bình thường. Nuôi tôm QCCTBC tập trung chủ yếu tại các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân, TP Cà Mau, với khoảng 40 ngàn ha. Tại huyện Trần Văn Thời, hộ ông Thái Văn Khắc có vụ đạt năng suất 1 tấn/ha.
Nuôi tôm quảng canh cải tiến bậc cao được người dân quan tâm - Ảnh: Thanh Ngân
Điểm khác biệt trong nuôi QCCTBC so với nuôi quảng canh bình thường là: Bờ ao nuôi được đắp chắc chắn và có lót nilon hoặc tấm cao su ngăn không cho rò rỉ, giữ mực nước trên mặt đầm ổn định ở 0,7 m và dưới mương 1,5 m. Mật độ thả giống cao hơn nuôi quảng canh cải tiến thông thường (7 -10 con/m2) sử dụng quạt khí tạo ôxy như nuôi công nghiệp sau 1,5 tháng đến khi thu hoạch, năng suất tôm qua các năm đều ổn định 800 - 900 kg/ha, và ít dịch bệnh xảy ra.
Nhân rộng
Theo kế hoạch, năm 2015 diện tích nuôi QCCTBC toàn tỉnh Cà Mau đạt 55.000 ha. Tuy nhiên, tỉnh phấn đấu năm 2014 hoàn thành kế hoạch kể trên; năm 2015 diện tích nuôi tôm QCCTBC sẽ đạt 100.000 ha.
Để làm được điều đó, Sở NN&PTNT đang từng bước khắc phục những hạn chế. Một số khó khăn đang tồn tại trong nuôi tôm QCCTBC hiện nay do hiểu biết của người nuôi còn hạn chế, trong khi việc trao đổi kiến thức cho người nuôi hiểu không dễ; kinh phí đầu tư cho nuôi tôm QCCTBC tuy rẻ hơn nuôi công nghiệp (nuôi công nghiệp 500 triệu đồng/ha, nuôi QCCTBCT 60 - 70 triệu đồng/ha) nhưng nhiều người nuôi không có điều kiện đầu tư; hệ thống thủy lợi, cấp thoát nước vẫn chủ yếu trên kênh nội đồng; cộng với dịch bệnh do ô nhiễm môi trường; những tháng đầu năm 2013 thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn gay gắt kéo dài, mưa trái mùa gây biến động các yếu tố môi trường, đặc biệt đối với môi trường nuôi tôm, bệnh trên tôm công nghiệp (chủ yếu là tôm bị bệnh đốm trắng và hội chứng hoại tử gan tụy) đã ảnh hưởng nhiều đến các hộ nuôi.
Tỉnh dự kiến tăng cường lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho người nuôi, áp dụng quy trình kỹ thuật, giáo dục nhận thức về nuôi tôm kết hợp với bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững, giảm thiểu dịch bệnh, gia tăng năng suất, sản lượng, thu nhập. Song song đó, Sở NN&PTNT cũng lên kế hoạch tăng cường vận động hỗ trợ từ phía ngân hàng hỗ trợ vốn với người nuôi về vốn, các doanh nghiệp hỗ trợ hợp tác trong mua thức ăn, vật tư…, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư hệ thống thủy lợi, quy hoạch vùng nuôi cụ thể, ưu tiên phát triển chất lượng con giống (hiện nay con giống trong tỉnh mới đáp ứng được 50%, số còn lại phải nhập từ tỉnh ngoài).
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở quyết tâm chỉ đạo đưa diện tích nuôi trồng theo hình thức này gia tăng, có thể thành hình thức chủ đạo. Sở đã kiến nghị UBND tỉnh, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, từng bước tạo điều kiện cho người nuôi mở rộng diện tích theo khả năng của họ, hỗ trợ tối đa về kỹ thuật và phương pháp cho người nuôi. Sở đang triển khai Thông tư 26 của Bộ NN&PNNT về quản lý giống thủy sản, trong đó chú trọng sản xuất tôm giống, là cơ sở thực tiễn cho việc sản xuất, kinh doanh, lưu thông tôm giống, liên quan quản lý tôm bố mẹ nhập khẩu và yêu cầu cơ sở, cá nhân, tổ chức tiến hành gia hóa tôm bố mẹ. Hy vọng sự ra đời của thông tư sẽ làm tăng chất lượng đơn vị sản xuất, kinh doanh tôm giống, và tăng chất lượng con tôm giống sạch ra thị trường, giữ cho vụ nuôi ổn định.
>> 6 tháng đầu năm nay, sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh Cà Mau ước đạt 71.489 tấn, tăng 9,04% so cùng kỳ năm ngoái, đạt 54,16% kế hoạch. Dự kiến sản lượng tôm nuôi 6 tháng cuối năm nay đạt 135.000 tấn, tăng 2,27% so với kế hoạch, năng suất tôm nuôi bình quân 509 kg/ha/năm (tăng 39 kg so với năm 2012).
Thủy sản Việt nam