Cà Mau: Tẩy chay tôm giống kém chất lượng

Monday,
12/02/2018
0

Trước diện tích nuôi tôm công nghiệp cùng nhu cầu con giống chất lượng tăng, việc tăng cường kiểm tra tôm giống nhập tỉnh cần tiến hành thường xuyên và minh bạch, sẽ góp phần giảm diện tích tôm bị dịch bệnh, tạo hiệu quả nuôi trồng.


Kiên quyết xử lý

Sự việc ngăn chặn 10 thùng tôm bị nhiễm bệnh phát sáng của Công ty CP Bình Dương ADN chi nhánh Ninh Thuận ngày 14/9 cho thấy sự quyết tâm ngăn chặn tôm bị bệnh của ngành chức năng trong quá trình kiểm soát, mang đến con giống chất lượng cho người dân thả nuôi. Qua đây cũng cho thấy sự thiếu trách nhiệm hợp tác của doanh nghiệp sản xuất tôm giống trên. Anh Nguyễn Văn Mé, Phó Trạm kiểm dịch động vật - thực vật - giống thủy sản (ấp Cây Trâm, xã Định Bình, thành phố Cà Mau) cho biết, khi bốc mẫu kiểm tra tôm bị bệnh và đại diện chủ hàng thừa nhận; nhưng khi chúng tôi chuyển qua thanh tra xử lý thì họ lại không hợp tác và cho rằng tôm không bị bệnh. Sự việc kéo dài đến ngày hôm sau, chủ hàng tự bốc 10 thùng tôm xuống và bỏ đi mà không giải quyết dứt điểm số tôm bị bệnh trên.

Thanh tra Sở NN&PTNT Cà Mau đã xử phạt và bố trí địa điểm cho doanh nghiệp gièo lại xử lý đến khi hết bệnh sẽ cho xuất bán. Cách làm trên được hầu hết các doanh nghiệp sản xuất tôm giống trong và ngoài tỉnh thống nhất và chấp hành. Trường hợp thiếu sự hợp tác với ngành chức năng của Công ty Bình Dương AND chi nhánh Ninh Thuận là cá biệt.Qua tìm hiểu sự việc, được biết số tôm giống trên trước khi vận chuyển đến Cà Mau đã được Trạm Kiểm dịch tỉnh Ninh Thuận xem xét và xác nhận tôm không có bệnh. Từ đó, đại diện chủ hàng không hợp tác cùng ngành chức năng Cà Mau mà đưa ra yêu cầu tự gửi mẫu đi xét nghiệm, tự chọn nơi gièo tôm mà không tin hay làm theo quy định.

Theo chuyên môn, việc tôm giống đang sản xuất tại trại cũng như trong quá trình vận chuyển đến thả nuôi thì bệnh phát sáng do vi khuẩn gây ra có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, trong thời gian qua Trạm Kiểm dịch tỉnh Cà Mau đã phát hiện và xử lý nhiều lượt tôm của một số công ty từ miền Trung nhập vào với phiếu xét nghiệm là sạch bệnh nhưng qua kiểm tra và phát hiện có bệnh, nhất là bệnh phát sáng. Anh Nguyễn Văn Mé cho biết thêm.

http://www.thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/nuoitrong/trai-tom-giong.jpg

Đại diện doanh nghiệp chủ động hợp tác với ngành chức năng tự tiêu hủy tôm bị bệnh

Nâng cao chất lượng giống

Số liệu thống kê của Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau cho thấy, trong năm 2013 có 87.800 lượt tôm nhập tỉnh thì 177 lượt tôm bị nhiễm bệnh. Đầu năm 2014 đến nay, có 25.300 lượt và có 155 lượt tôm bị nhiễm bệnh. Đa phần post bị nhiễm bệnh với số lượng lớn từ vài trăm đến 1 triệu post và hầu như được phía công ty yêu cầu, hợp tác với ngành chức năng tiêu hủy ngay tại chỗ để giữ chữ tín cũng như góp phần đáp ứng tôm giống chất lượng, sạch bệnh cho khách hàng nuôi tôm Cà Mau. Trường hợp của Công ty CP Bình Dương ADN chi nhánh Ninh Thuận chỉ với số lượng 150.000 post thì không đáng dẫn đến thái độ thiếu sự hợp tác với ngành chức năng như đã nêu.

Ông Tiết Tiến Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết: "Việc tăng cường kiểm tra và kiên quyết ngăn chặn tôm nhập tỉnh kém chất lượng trong thời gian qua đã góp phần vào việc đáp ứng tôm sạch bệnh cho người dân thả nuôi và hạn chế dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi, nhất là loại hình tôm công nghiệp. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao trình độ kỹ thuật, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia sản xuất, kinh doanh tôm giống và người dân. Từng bước loại tôm kém chất lượng ra khỏi vùng nuôi".



Theo Thủy sản Việt Nam



 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: