Cà Mau: Tôm – cua – cá đồng loạt rớt giá

Thursday,
22/02/2018
0

Vào thời điểm đầu năm 2014, giá tôm thẻ chân trắng trên thị trường loại 100 con/kg được thương lái thu mua với giá dao động từ 120.000-130.000 đồng/kg, nay giảm xuống còn không quá 100.000 đồng/kg. Với giá này làm nhiều hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp không khỏi lo lắng.


http://tomgiongchauphi.com/uploads/news/2014_12/gia-tom-bap-benh.jpg

Anh Dương Văn Thắng, ấp Trung Thành, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, là nông dân có thâm niên trong nghề nuôi tôm công nghiệp, than thở: “Từ giá thành thức ăn cho đến tôm giống không giảm, nhưng giá tôm thẻ chân trắng lại sụt giảm, làm cho nông dân không dám mạnh dạn đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng như trước, bởi rủi ro cao. Mỗi tấn tôm nuôi, bỏ ra bạc trăm triệu đồng, nếu thuận lợi, chỉ có lãi từ 20-30 triệu đồng, nếu bị thất bại sẽ thua lỗ rất nặng, thậm chí không còn vốn để tái đầu tư cho vụ tiếp theo”.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Bí thư Chi bộ ấp Bùng Binh, xã Hưng Mỹ, bày tỏ: “Nuôi tôm thẻ chân trắng giá dưới 100.000 đồng/kg như hiện nay là nông dân không còn lãi, vì chi phí đầu tư cho một vụ nuôi quá cao, mà không phải bất kỳ nông dân nào cũng có vốn để làm, nếu không vay vốn ở ngân hàng thì nhờ đến đại lý bán thức ăn hỗ trợ và phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với mua tiền mặt nên bà con gặp rất nhiều khó khăn”.

Không riêng đối tượng tôm thẻ chân trắng, giá cua trên thị trường cũng đang nằm trong tình trạng tương tự, có thời điểm thương lái ngưng thu mua vì cua bị rớt giá. Hiện nay, giá cua gạch loại nhất cũng chỉ ở mức không quá 200.000 đồng/kg, giảm 50% so với thời điểm đầu năm, làm cho nhiều hộ dân không dám đầu tư nuôi cua theo hình thức bán thâm canh. Ông Hứa Văn Hùng, ấp Bùng Binh, xã Hưng Mỹ, chia sẻ: “Giá cá tạp làm mồi cho cua từ 15.000-18.000 đồng/kg, trong khi 1 vụ cua nuôi kéo dài đến khoảng 5 tháng. Giá cua như thế, người nuôi không có lãi, trừ trường hợp người dân tận dụng cá tạp có sẵn trong vuông tôm nuôi thì mới có lời”.

Còn đối với cá bống tượng, nông dân chưa hết mừng khi cá tăng giá trở lại, thì nay cũng bị rớt giá chỉ còn từ 250.000-300.000 đồng/kg cá loại I. Bên cạnh đó, cách phân loại cá cũng có sự thay đổi. Trước đây, cá có trọng lượng từ 0,5-0,7 kg/con được xem là cá loại I, bán được giá cao, từ 0,8 kg đến trên 1 kg được thương lái gọi là cá hố, bởi cá không nằm trong khung giá nào và mua với giá thấp. Ngay tại thời điểm này, cá càng lớn giá càng cao. Tuy nhiên, vì nguồn cá tạp dùng làm thức ăn cho cá không giảm, làm cho chi phí sản xuất tăng nên nông dân đang gặp khó.

Ông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, cho biết, hiện tại gia đình đang còn 1 ao cá bống tượng khoảng 300 con, có trọng lượng trung bình từ 250-300 g/con. Kể từ khi cá bị rớt giá, ông không còn cho cá ăn thường xuyên như trước, vì chi phí tiền mua cá tạp làm mồi cho cá bống tượng lớn, nếu cho ăn đủ sức mỗi ngày lên đến 100.000 đồng, mà giá cá như thế này là bị thua lỗ.

Một thực tế là, phần lớn các mặt hàng thuỷ sản của nông dân làm ra, chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài, do đó phải phụ thuộc vào thị trường các nước. Khi cung vượt cầu thì giá bị giảm và ngược lại. Thế nên, nông dân cần phải thay đổi tư duy trong sản xuất và ngành chuyên môn cũng nên kịp thời dự báo thị trường giá thuỷ sản, định hướng cho nông dân chọn đối tượng nuôi hợp lý, tránh xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa, dẫn đến các mặt hàng thuỷ sản bị rớt giá như hiện nay./.







Báo Cà Mau
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: