2014 là năm thứ hai tỉnh Cà Mau đạt kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 1 tỷ USD; trong đó, có vai trò chủ chốt của mặt hàng tôm.
Kỳ vọng 1,3 tỷ USD
Thống kê của Tổng Cục Hải quan cho thấy, 10 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Cà Mau đạt 1,18 tỷ USD, đứng thứ 16/63 cả nước; nhập khẩu đạt gần 127 triệu USD, đứng thứ 41. Với kết quả này, tỉnh Cà Mau thặng dư thương mại 10 tháng đầu năm 2014 đạt hơn 1,05 tỷ USD, xếp thứ 4 cả nước (sau Bình Dương, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh). Đây là vị thếtỉnh Cà Mau liên tục đạt trong nhiều tháng qua, kể từ nửa cuối năm 2013.
Xuất khẩu thủy sản chiếm 97% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Cà Mau. Trong khi, địa phương nhập khẩu chủ yếu nguyên liệu thủy sản để chế biến xuất khẩu và nhập máy móc, thiết bị, phụ liệu dùng trong chế biến.
Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh vượt kế hoạch (0,19%), tăng 34% so cùng kỳ năm trước, dự kiến cả năm đạt khoảng 1,3 tỷ USD.
10 tháng, xuất khẩu tôm của Cà Mau đạt hơn 1 tỷ USD - Ảnh: Huỳnh Lâm
Doanh nghiệp vượt khó
Theo ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến Thủy sản tỉnh Cà Mau, thành tích trên trước hết thuộc về các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thủy sản, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu tôm.Toàn tỉnh hiện có 32 công ty và gần 38 xí nghiệp trực thuộc, với tổng công suất thiết kế hơn 190.000 tấn/năm. Năm 2014, tất cả các doanh nghiệp đã triển khai đồng bộ giải pháp tái cơ cấu sản xuất kinh doanh theo hướng sắp xếp lại hoạt động; xử lý hàng tồn kho; tăng cường khả năng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nếu năm 2013, trong 33 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu chỉ 5 doanh nghiệp có lãi thì năm 2014 đã 18 doanh nghiệp có lãi; điển hình như Công ty Minh Phú dự kiến năm 2014 đạt giá trị xuất khẩu 500 triệu USD.
Thành tích về kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản còn do nông ngư dân đã cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hàng xuất khẩu với số lượng hơn 100.000 tấn sản phẩm.Ông Thuận cho biết thêm, mặc dù còn gần 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang gặp khó khăn nhưng những gì đạt được cho thấy thời kỳ khó khăn nhất của doanh nghiệp đang dần qua.
Phối hợp thực hiện
Rào cản xuất khẩu ngày càng nghiệt ngã. 10 tháng có đến 1.146 tấn hàng bị trả về do dư lượng kháng sinh vượt mức quy định.Bộ Thương mại Mỹ công bố giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam. Tỉnh Cà Mau có 8 doanh nghiệp tôm bị áp thuế 4,98% đến 6,37%, tác động bất lợi đến xuất khẩu tôm vào Mỹ, dẫn đến giá tôm sú nguyên liệu trong tỉnh giảm 3 - 5%, tôm thẻ chân trắng giảm 12 - 14% so thời điểm trước khi phía Mỹ áp thuế.Ngoài ra, với sự kiện trên, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Cà Mau phải truy nộp thuế chống bán phá giá từ 1/2/2012 đến 31/1/2013 với tổng số tiền 12,3 triệu USD.
Bên cạnh đó, sản phẩm giá trị gia tăng trong các mặt hàng tôm chưa cao. Với khoảng khoảng 61.000 tấn sản phẩm thủy sản mỗi năm xuất khẩu qua dây chuyền công nghệ hiện đại, mang về giá trị kinh tế cao, còn lại hơn 92.000 tấn xuất thô. Phần lớn các xí nghiệp sau khi mua nguyên liệu, tiến hành sơ chế thủ công rồi cung cấp cho các công ty lớn khác ở trong và ngoài tỉnh. Lượng sản phẩm thô xuất đi hằng năm còn quá lớn, đang thể hiện sự hoang phí so với ưu thế vốn có.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ban ngành phối hợp thực hiện các biện pháp hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá tôm. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại tỉnh Cà Mau, làm việc với các ngân hàng thương mại, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh theo quy định.
>> Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau: Tỉnh Cà Mau đang phấn đấu nâng tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng lên 70%, giảm tỷ lệ sản phẩm sơ chế còn dưới 30%. Đồng thời, đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến để nâng cao năng suất lao động; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo ISO, HACCP, GMP, SSOP… tại 100% cơ sở chế biến thủy sản.
Theo Thủy sản Việt Nam