Nắng nóng kéo dài làm nhiệt độ tăng cao, môi trường ao nuôi tôm nước lợ dễ biến đổi đột ngột, nước bốc hơi nhanh, độ mặn trong ao cũng tăng dẫn đến sự thay đổi độ pH trong ao nuôi. Từ đó tôm nuôi bị sốc môi trường, dễ bùng phát dịch bệnh.
Khi trời nắng mà thấy có dấu hiệu mưa, cần rải vôi xung quanh ao tôm với liều lượng 10 - 15kg/100m2 để hạn chế nước mưa làm phèn trôi xuống ao nuôi, độ pH giảm thấp.
Người nuôi tôm cần quản lý tốt các yếu tố môi trường nước trong vuông. Nếu giữ được sự ổn định các yếu tố nhiệt độ, độ mặn, pH, độ kiềm, oxy hòa tan... trong ngưỡng thích hợp sẽ giúp tôm phát triển tốt.
Do đó phải xây dựng ao lắng riêng để chủ động nguồn nước và xử lý nước trước khi lấy vào ao nhằm hạn chế mầm bệnh từ bên ngoài. Đồng thời duy trì mực nước trong ao trên 1,2m để hạn chế ảnh hưởng bất lợi của tình trạng nắng nóng. Gia cố bờ bao sau mỗi vụ nuôi để tránh tình trạng nước rò rỉ từ ngoài vào hay từ ao này sang ao khác. Nếu nước trong ao tôm có màu đậm, độ pH cao cần nhanh chóng thay 20% lượng nước hoặc cấp thêm nước vào ao nuôi thông qua ao lắng.
Sau những trận mưa, người nuôi phải kiểm tra các yếu tố môi trường trong vuông nuôi để có những biện pháp khắc phục kịp thời như xả bớt lớp nước mặt, hay dùng quạt, xuồng máy chạy đảo trong vuông để phá vỡ sự phân tầng nhiệt độ nước.
M.C - (Trích tài liệu của Tổng cục Thủy sản)
Nguồn: Vietlinh