Trong nuôi tôm, độ pH của nước thường xuyên biến động theo chu kỳ ngày đêm, biến động đó sẽ tăng dần từ đầy cho đến cuối vụ. Với cách sử dụng vôi trong nuôi tôm dưới đây sẽ giúp người nuôi tôm ổn định độ pH về mức ổn định, giúp tôm có môi trường sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
1. Tìm hiểu khái quát về độ pH trong ao nuôi tôm
Độ pH quá cao (buổi trưa) hay quá thấp (sáng sớm) ảnh hưởng gián tiếp làm tăng hàm lượng khí độc trong ao nuôi tôm. Khi độ pH cao sẽ làm tăng hàm lượng khí NH3, ngược lại khi pH thấp sẽ làm tăng hàm lượng khí H2S gây độc cho tôm. Do đó, với cách sử dụng vôi trong ao nuôi tôm sẽ giúp giữ độ pH ổn định, giúp tôm sinh trưởng, tăng tỉ lệ sống và năng suất cao.
2. Vậy cách sử dụng vôi trong nuôi tôm như thế nào
Cách sử dụng vôi trong nuôi tôm dưới đây áp dụng một số trường hợp như sau:
- Ao nuôi bị mất cân bằng dinh dưỡng với nhiều chất hữu cơ và mùn đáy ao.
- Mất cân bằng dinh dưỡng với nước bị nhiễm phèn
- Nước ao nuôi bị mềm và độ kiềm thấp
- Hàm lượng khí CO2 trong nước cao.
Một số loại vôi sử dụng phổ biến trong nuôi tôm có thể kể đến như:
- Vôi nông nghiệp hay đá vôi (CaCO3)
- Dolomite hay đá vôi đen (CaMg(CO3)2)
- Vôi tôi (Ca(OH)2)
- Vôi sống CaO
Bón vôi khi cải tạo ao:
Để xác định chính xác liều lượng vôi cần bón cho từng trường hợp của đáy ao có thể áp dụng phương pháp thử với dung dịch đệm p-Nitrophenol pH=8 (hòa tan 10 g p-nitrophenol, 7,5 g H3BO3, 37 g KCl và 5,25 g KOH trong nước cất rồi pha thành 1 lít). Cho 20 g bùn khô đã được nghiền mịn vào 40 mL dung dịch đệm p-nitrophenol, khuấy đều vài lần trong một giờ, sau đó đo pH của dung dịch (pHdd) và xác định lượng vôi cần bón theo công thức sau:
Lượng vôi cần bón (kg CaCO3/ha) = (8,0 – pHdd) x 6000
Lượngvôi cần bón cho đáy ao cũng có thể được ước lượng dựa vào cấu trúc và pH của đất đáy ao, áp dụng bảng số sau đây để tính liều lượng vôi cần bón cho nền đáy khi cải tạo ao nuôi.
Việc xác định liều lượng vôi cần bón cho nước ao thường được dựa vào tổng độ kiềm (total alkalinity) hoặc tổng độ cứng (total hardness). Tổng độ kiềm thích hợp là lớn hơn 40 mg CaCO3/L cho ao nuôi thủy sản nước ngọt và lớn hơn 80 mg CaCO3/L cho ao nuôi thủy sản nước mặn, lợ. Giả định rằng, ao nuôi nước ngọt có diện tích 1000 m2, sâu 1m và có độ kiềm là 10 mg/L, để tăng độ kiềm lên 40 mg/L thì cần bón 30 mg CaCO3/L hay 30 g CaCO3/m3, tổng lượng vôi cần bón cho ao là 30 kg CaCO3. Tuy nhiên, theo cách tính liều lượng vôi cần bón như trên thì độ kiềm của nước ao sau khi bón vôi có thể không đạt được 40 mg CaCO3/L như mong muốn, nguyên nhân là do một phần vôi bị mất đi khi tham gia phản ứng trung hòa axít trong bùn. Do đó, sau khi bón vôi 2-3 tuần cần kiểm tra lại độ kiềm của nước, nếu độ kiềm chưa đạt 40 mg CaCO3/L thì cần bón vôi bổ sung với liều lượng được xác định theo phương pháp đã nêu trên.
Bón vôi để tăng độ kiềm và khử CO2:
Trường hợp xác định liều lượng vôi để khử CO2 cần phải dựa vào hàm lượng CO2 trong nước. Hàm lượng CO2 thích hợp cho ao nuôi thủy sản khoảng 1-10 mg/L, khi hàm lượng CO2 vượt quá 10 mg/L có thể làm ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của cá, trường hợp này cần phải khử CO2. Theo lý thuyết, để khử 1 mg CO2/L, cần dùng 0,64 mg CaO/L, 0,84 mg Ca(OH)2/L, 2,1 mg CaMg(CO3)2/L hoặc 2,27 mg CaCO3/L. Giả định, ao nuôi có diện tích 1000 m2, sâu 1 m và có hàm lượng CO2 là 15 mg/L, để làm giảm CO2 xuống 5 mg/L cần dùng 22,7 mg CaCO3/L hay 22,7 g/m3 và tổng lượng vôi cần dùng cho cả ao là 22,7 kg. Chú ý, khi sử dụng các loại vôi để khử CO2 cần tính liều lượng chính xác, nếu sử dụng thừa vôi có thể làm cho hàm lượng CO2 giảm xuống bằng 0, khi đó pH sẽ tăng cao (>8,34) gây ảnh hưởng xâu cho tôm cá nuôi
Nguồn: Tổng hợp