Mặc dù đến nay ngành tôm đã bước đầu được phục hồi sau thời gian dài bết bát. Xuất khẩu tăng cả về giá trị và thị trường, giá tôm nguyên liệu luôn ở mức cao, năng suất thu hoạch cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, sản xuất tôm vẫn chứa đựng những yếu tố bất ổn và điều ngành tôm cần lúc này là một chiến lược dài hơi.
Tại hội nghị “Phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2013 và xây dựng kế hoạch năm 2014” diễn ra tại TP Cần Thơ đầu tháng 11 vừa qua, báo cáo của Cục Thú y cho thấy, dịch bệnh trên tôm vẫn còn xuất hiện tại 192 xã của 57 huyện thuộc 18 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh 5.705 ha; trong đó, 2.423 ha tôm thẻ chân trắng và 3.282 ha tôm sú. Bệnh đốm trắng có dấu hiệu tăng, xuất hiện tại 278 xã của 93 huyện thuộc 28 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích 12.242 ha, tăng hơn 4.000 ha so cùng kỳ, trong đó, tỷ lệ mắc bệnh của của tôm sú cao hơn tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, tổng diện tích tôm bệnh chỉ bằng 53,6% so cùng kỳ năm 2012. Đây là yếu tố góp phần quyết định trong việc phục hồi và gia tăng sản lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013.
Hiện nay, tại một số tỉnh ĐBSCL, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng có dấu hiệu gia tăng, trong khi tôm sú giảm. Ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… nhiều hộ dân có vốn đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trúng mùa gần như nuôi nối vụ liên tục.
Thu hoạch tôm tại Bạc Liêu - Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Cà Mau có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất cả nước với 296.000 ha; trong đó, nuôi tôm nước lợ 266.500 ha. Tính đến tháng 10, sản lượng nuôi tôm toàn tỉnh đạt 242.710 tấn, đạt 85,2% so kế hoạch 2013 là 285.000 tấn. Chi cục Thú y Cà Mau cho biết, hiện tượng bệnh AHPND và đốm trắng còn xảy ra nhiều nơi trên tôm nuôi thâm canh với hơn 906 ha; trong đó, 134 ha bệnh đốm trắng và 711,9 ha bệnh AHPND. Trong khi đó, tôm nuôi quảng canh truyền thống và quảng canh cải tiến thì nguyên nhân bệnh chủ yếu là do môi trường, chất lượng con giống.
Theo cán bộ thủy sản các tỉnh, các địa phương xảy ra dịch bệnh trên tôm tăng còn có hiện tượng một số hộ dân tự ý chuyển đổi diện tích trồng trọt kém hiệu quả sang nuôi tôm, như ở Bến Tre, nông dân chuyển từ đất trồng dừa sang nuôi tôm. Bên cạnh đó, một số địa phương cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm chưa được đầu tư tương xứng. Trong khi đó, việc quản lý, kiểm soát nguồn giống thả nuôi còn hạn chế. Sự phối hợp các địa phương chưa chặt chẽ trong việc kiểm soát chất lượng tôm giống. Ở một số nơi, người dân chưa thật sự hợp tác với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong trong phòng chống dịch bệnh.
Do vậy, nhằm sớm khắc phục những tồn tại và nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh thủy sản, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố nhanh chóng xây dựng và triển khai đồng bộ các chương trình giám sát dịch bệnh, nhất là các bệnh đã và đang gây thiệt hại nặng; Đồng thời, kiểm tra giám sát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh sử dụng thuốc thú y thủy sản, các chế phẩm hóa chất… và quan trọng hơn hết là cần phải có một chiến lược dài hơi để đảm bảo con tôm phát triển, bền vững
>> Theo ông Phạm Khánh Ly, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, Tổng cục Thủy sản: Hơn hai năm trước, dịch bệnh trên tôm nuôi liên tục xảy ra trên diện rộng, khiến nhiều hộ nuôi bị thiệt hại nặng, rơi vào cảnh phá sản. Nhưng năm nay, số hộ dân nuôi trúng tôm, đạt lợi nhuận cao rất nhiều, thậm chí có hộ nuôi tôm trúng lãi hàng tỷ đồng.
Thủy sản Việt Nam