Năm 2014 là một năm thắng lợi đối với nghành tôm, với giá trị xuất khẩu lên tới 4 tỷ USD, thế nhưng, đây cũng là năm mà Việt Nam phải chi tới hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu tôm giống.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng Cục thủy sản, Bộ NN- PTNT hiện mỗi năm trong nước mới sản xuất được 3.000 cặp tôm sú giống bố mẹ (đáp ứng được 10% nhu cầu tôm giống bố mẹ), còn tôm thẻ chân trắng bố mẹ phải nhập khẩu 100%.
Tiềm lực có thừa!
Điều đáng nói ở đây là, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống của Việt Nam hoàn toàn có đủ tiềm lực về tài chính cũng như nhân lực để đầu tư nghiên cứu tôm giống bố mẹ.
Là giám đốc một trong những công ty lớn của Việt Nam về sản xuất tôm giống, ông Nguyễn Hoàng Anh- Giám đốc Cty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung cho rằng, với 6 cơ sở sản xuất tôm giống và 30 ao nuôi tôm thịt có tổng diện tích 30 ha mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 3 đến 5 tỷ con tôm giống và 1.000 tấn tôm thịt… cùng với đội ngũ 1.000 nhân viên làm việc ở 20 tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó, có 1 tiến sỹ, 1 thạc sỹ, 150 kỹ sư chuyên ngành nuôi trồng thủy sản và 5 chuyên gia tư vấn kỹ thuật nước ngoài về lĩnh vực tôm thẻ chân trắng, doanh nghiệp ông hoàn toàn có đủ tiềm lực tài chính cũng như nhân lực để đầu tư nghiên cứu tôm giống bố mẹ.
Vậy nhưng, khi doanh nghiệp ông muốn tìm hiểu về cơ chế ưu tiên vay vốn ngân hàng, miễn tiền thuê đất, hỗ trợ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, rất tốn thời gian và công sức.
Trên thực tế, mặc dù quy định đã rất rõ ràng tại các thông tư hướng dẫn liên ngành, nhưng không phải Cục Thuế nào cũng chấp nhận các giải trình, báo cáo của doanh nghiệp… Bởi vậy, doanh nghiệp ông đang phải tự tìm nguồn lực riêng để phát triển.
Bên cạnh đó, khi giống tôm của doanh nghiệp ông được nghiên cứu ra đã qua kiểm định, thế nhưng, có nhiều trường hợp người nuôi đã không áp dụng đúng quy trình nên tôm chết hàng loạt vì nhiễm các dịch bệnh…
Cần “sợi dây” liên kết
Theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thủy sản, Bộ NN- PTNT cho rằng, hiện nay người sản xuất tôm giống tuy có trình độ cao nhưng vẫn mạnh ai nấy làm, chất lượng con giống cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Các doanh nghiệp sản xuất giống tuy có giấy phép kinh doanh, giấy đăng ký chất lượng, đăng ký nhãn hiệu bao bì đầy đủ nhưng khi xuất bán thì lại không đóng gói bao bì, nhãn mác của mình theo quy định... Đơn cử như ở Bạc Liêu, hiện có 394 cơ sở sản xuất và ươm tôm giống để bán. Tuy nhiên, số cơ sở đầu tư mạnh về quy mô, đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh để có tôm giống chất lượng cao chỉ chiếm 20%. “Do vậy, việc lệ thuộc vào con giống như thời gian qua sẽ có ba điều bất lợi: thứ nhất là nguồn cung hạn chế, nhiều khi không đáp ứng đơn hàng; thứ hai, giá cao; thứ ba, chất lượng chưa chắc đã đảm bảo” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo ông Tuấn, để giải quyết bài toán thiếu tôm giống và nguyên liệu, trước hết, nhà nước phải có chính sách khuyến khích đầu tư nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nghiên cứu giống tôm; đồng thời có cơ chế rõ ràng hơn cho đơn vị nghiên cứu để có thể kinh doanh từ những sản phẩm do đơn vị tạo rạ.
Nhà nước cần ban hành các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nghiên cứu giống tôm.
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp