Chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm, bơm tạp chất vào tôm trong năm 2018

Saturday,
12/05/2018
0

Thực hiện Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Kế hoạch kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong tôm và ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm, sản xuất kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Ngay từ đầu năm 2018, các địa phương đã khẩn trương vào cuộc triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để chấm dứt tình trạng trên.

Theo kế hoạch đặt ra, mục tiêu đến hết năm 2018 sẽ chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm, bơm tạp chất vào tôm.

Hiện nay, Bộ luật Hình sự  sửa đổi năm 2017 đã có hiệu từ 1.1.2018, trong đó nội dung xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng chất cấm, đây là một trong chế tài để xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm gian lận trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Đăng tải công khai các tổ chức, cá nhân có hành vi đưa tạp chất vào tôm

Vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố tăng cường kiểm tra, thanh tra điều kiện bảo đảm ATTP tại các cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến, kinh doanh thủy sản, bếp ăn tập thể, nhà hàng… nhằm ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện tăng cường tuyên truyền phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật về kiểm soát tạp chất và tác hại nghiêm trọng của hành vi đưa tạp chất vào tôm (kể cả hành vi bơm chích agar, dùng hoá chất tẩy rửa).

Công an thành phố phối hợp với BQL ATTP thành phố và Sở Nông nghiệp &PTNT tổ chức kiểm tra liên ngành theo kế hoạch và đột xuất để phòng ngừa và xử lý triệt để các hành vi vi phạm. Cùng với đó, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP trong nhập khẩu, kinh doanh, mua bán, sản xuất, vận chuyển, bảo quản, chế biến thủy sản; và khởi tố, điều tra khi phát hiện tội phạm theo Điều 317, Bộ Luật hình sự.

UBND các quận, huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng và các xã, phường trên địa bàn phát động quần chúng nhân dân lên án, tố giác các hành vi gian lận, đưa tạp chất vào tôm và sử dụng tôm chứa tạp chất để chế biến thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi phân công quản lý (bao gồm các chợ), và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Sở Nông nghiệp &PTNT phối hợp với các kênh thông tin đại chúng và website của Sở đăng tải công khai cụ thể tên, địa chỉ, kết quả xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về đưa tạp chất vào tôm.

Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Công văn số 1399/UBND-KT yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Theo đó, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp vi phạm theo quy định.

Chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm trong năm 2018

Theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2419/QĐ-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến hết năm 2017, tại địa bàn 04 tỉnh nuôi tôm trọng điểm: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ. Ngoài ra, 100% cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tại địa bàn 04 tỉnh trọng điểm: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang phải ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm; không mua tôm tạp chất.

Đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm và trên phạm vi cả nước.”

Các địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang đã rất quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng đưa tạp chất vào tôm. Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã ban hành Công văn số 555/UBND-KTCN về việc tăng cường triển khai thực hiện Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất.

Theo đó, để thực hiện hoàn thành mục tiêu có 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm ký cam kết không bơm, chích tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất, mục tiêu đến hết năm 2018 chấm dứt cơ bản tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu. UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 97/KH-BCĐ ngày 31/5/2017 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất trên địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra tạp chất của các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm và nguy cơ, tác hại của việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất. Cách thức nhận biết sản phẩm tôm có tạp chất và tố giác đến các cơ quan chức năng đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về tạp chất. Tiếp tục thống kê và ký cam kết không bơm chích tạp chất với mọi hình thức đối với các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa trên địa bàn tỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tin, báo chí đóng trên địa bàn tỉnh đăng tải các bản tin về tình hình bơm chích tạp chất vào tôm và công khai tên, địa chỉ, kết quả xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về tạp chất.

Nguồn: Thủy sản 247

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: