Châu Á là khu vực dẫn đầu về nuôi tôm và khai thác tôm tự nhiên. Khu vực này đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng thị trường. Báo cáo mới đây của Tổ chức Nghề cá Bền vững (SFP) đã góp phần chỉ ra những nỗ lực hướng tới sản xuất bền vững ở khu vực này.
Báo cáo “Thương mại và tính bền vững tôm châu Á” của ông Nicole Portley, điều phối viên chuyên ngành tôm của SFP cho thấy, châu Á chiếm khoảng 85% sản lượng tôm nuôi của thế giới và 74% sản lượng tôm khai thác tự nhiên, bao gồm 86% là tôm nước ấm.
Tôm nuôi chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng sản lượng tôm của châu Á. Hiện, 58% tổng sản lượng tôm tại các nước sản xuất tôm chính ở châu Á là tôm nuôi.
Top 10 nước sản xuất tôm chính ở châu Á, lần lượt từ lớn đến nhỏ, gồm Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Myanmar, Bangladesh và Cambodia.
Sản lượng tôm nuôi đã vượt qua tôm tự nhiên vào năm 2007 và chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trên thị trường. Theo báo cáo của SFP, năm 2012, tôm nuôi đạt giá trị 19,4 tỷ USD. Năm 2013, sản lượng tôm nuôi chiếm 56% tổng sản lượng tôm toàn cầu (số liệu của FAO năm 2015) với sản lượng đạt 4,45 triệu tấn so với 3,4 triệu tấn tôm tự nhiên.
Trong khi tôm là loài thủy sản được giao dịch nhiều nhất trên thế giới tính theo giá trị nhưng chỉ ½ (49%) được bán ở các thị trường châu Á. Các thị trường NK lớn nhất gồm EU, Mỹ và Nhật Bản, chiếm 75% tổng NK tôm toàn cầu. Trong số các nước EU, Tây Ban Nha và Pháp là các thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất trong khi Mỹ NK nhiều tôm nhất và tôm là mặt hàng thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất theo đầu người ở Mỹ.
Tôm chân trắng là loài tôm nuôi phổ biến nhất. Hai loài tôm nuôi chủ yếu khác là tôm sú và tôm càng xanh.
Các nước tập trung đầu tư sản xuất tôm chân trắng đã đạt được những con số XK khá tốt trong những năm gần đây như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia đều đạt được doanh thu XK trên 1 tỷ USD.
Thái Lan, từng là nhà XK tôm lớn nhất thế giới, đã nhường vị trí số 1 cho Việt Nam do thiệt hại bởi dịch bệnh.
Các nước gồm Bangladesh, Malaysia, Cambodia, the Philippines và Myanmar không tập trung đầu tư nhiều cho sản xuất tôm chân trắng nên giá trị XK tôm nói chung không cao. Các nước này XK dưới 500 triệu USD tôm/năm và dành tỷ trọng lớn hơn cho tiêu thụ nội địa.
Riêng Trung Quốc lại nằm ngoài xu hướng này. Nước này đầu tư nhiều vào sản xuất tôm chân trắng tuy nhiên lại dành 88% sản lượng tôm để phục vụ thị trường trong nước.
Trong báo cáo của SFP, tổ chức này khuyến khích tăng cường tính bền vững trong chuỗi nguồn cung toàn cầu. Bằng cách tăng cường hiểu biết về những tác động thị trường của ngành và xác định những yếu tố liên quan đến tính bền vững của tôm nuôi châu Á, tổ chức này hy vọng là một nhân tố mang đến những tiến bộ cho ngành tôm. Các vấn đề liên quan đến bền vững gồm dịch bệnh, ô nhiễm nước và thức ăn nuôi tôm bền vững.
Những tiến bộ về kỹ thuật như quạt gió thông hơi, thức ăn viên và các biện pháp xử lý nguồn nước sẽ cho phép người nuôi gia tăng mật độ thả nuôi và đạt năng suất cao hơn. Các biện pháp này cũng cho phép các trại nuôi sản xuất nhiều loài tôm với kích cỡ đa dạng hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của thị trường. Những cải tiến trong chất lượng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cho phép tôm nuôi vượt xa tôm tự nhiên và trở thành mặt hàng XK dẫn đầu.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng đi kèm với nguy cơ dịch bệnh như EMS (gây hiện tượng tôm chết hàng loạt) và EHP (làm chậm quá trình tăng trưởng của tôm và làm giảm năng suất) và tất cả các nước nuôi tôm ít nhiều đều phải đối mặt với sự bùng phát của dịch bệnh.
Các chương trình chứng nhận đang giúp giảm thiểu những tác động này tuy nhiên theo SFP, chỉ khoảng 1-11% sản lượng tôm nuôi ở 7 nước sản xuất tôm lớn nhất châu Á hiện được chứng nhận bởi các tiêu chuẩn BAP, ASC và GlobalGAP; chỉ 5% khối lượng tôm nuôi được sản xuất từ các nguồn được chứng nhận. Do vậy còn nhiều việc phải làm trong chuỗi nguồn cung tôm thế giới để khuyến khích sự phổ biến sâu rộng hơn của các chương trình chứng nhận.
Theo Vasep