Cuối tháng 5, đầu tháng 6 - thời điểm nắng nóng đỉnh điểm cũng là lúc tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi tăng cao. Do đó, để tôm nuôi đạt hiệu quả, người nuôi tôm cần kiểm tra ao nuôi thường xuyên và kịp thời điều chỉnh các thông số môi trường khi có biến động bất thường.
Cán bộ Trạm Thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh kiểm tra nguồn nước trước khi thả con giống.
Những người nuôi tôm lâu năm ở Kim Sơn chia sẻ, họ sợ nhất là các đợt nắng nóng kéo dài kèm theo những cơn mưa đầu mùa, bởi thời tiết như vậy sẽ gây sốc và làm con tôm rất yếu dễ xảy ra chết hàng loạt. Ông Ninh Văn Cường, xóm 6, xã Kim Đông cho biết: Cùng thời điểm này năm ngoái, do nắng nóng mà 2 ao nuôi tôm của ông đã bị chết, thiệt hại cả chục triệu đồng.
Do vậy, rút kinh nghiệm, năm nay, ông đã dành hẳn 1 ao để làm ao lắng, qua đó chủ động nguồn nước sạch trước khi lấy vào ao, duy trì mực nước trong ao để hạn chế những bất lợi do nắng nóng gây ra. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, gia cố bờ bao, đo đạc các thông số môi trường ao nuôi để điều chỉnh cho phù hợp.
Con tôm sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiệt độ môi trường nước khoảng 25 – 30 độ C, vì thế khi nhiệt độ trên 33 độ C sẽ khiến tôm nuôi bị sốc môi trường, sức khỏe yếu, mất khả năng đề kháng. Bên cạnh đó, tôm hoạt động nhiều, mất nhiều năng lượng và tiêu thụ thức ăn nhiều hơn bình thường dẫn đến chất thải tầng đáy ao nuôi nhiều hơn.
Ngoài ra, nắng nóng còn khiến các loại cây cỏ thủy sinh trong ao chết đi, môi trường phú dưỡng hơn tạo điều kiện cho tảo phát triển mạnh mẽ, màu nước đậm… Khi đó, vi khuẩn trong ao phát triển mạnh hơn, gây bệnh cho tôm. Hơn nữa, nắng nóng còn làm cho nước ao bốc hơi nhanh, độ mặn trong ao cũng tăng theo, tôm dễ phát sinh bệnh hoại tử gan tụy (EMS).
Để tránh thiệt hại khi nuôi tôm trong thời tiết bất lợi, ngay từ đầu vụ, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với chính quyền địa phương có những khuyến cáo cụ thể đến người dân. Hướng dẫn bà con thực hiện tốt công tác cải tạo ao đầm, kỹ thuật chọn và thả giống, chăm sóc, quản lý môi trường ao nuôi.
Hiện nay, Trạm thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh đang tiếp tục chủ động quan trắc môi trường, cập nhật thông tin kịp thời đến người nuôi; giám sát chặt chẽ tình hình nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi trọng điểm; phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản; xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh, ứng dụng các biện pháp cải tiến kỹ thuật để nuôi tôm đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, người nuôi tôm cũng cần chủ động hơn trong việc ứng phó, thường xuyên theo dõi những bản tin dự báo thời tiết cũng như những kết quả quan trắc môi trường do Trạm cung cấp để từ đó có những biện pháp, giải pháp phòng tránh thiệt hại.
Cụ thể: Đối với nuôi tôm bán thâm canh, nuôi cá…không có nhà mái che: Do tình trạng nắng nóng sẽ còn kéo dài vì thế đề nghị bà con cần cấp thêm nước vào ao nuôi, để tránh nóng cho tôm nuôi (mức nước tối thiểu là 1,3 m). Riêng với nuôi thủy sản trong nhà mái che cần khẩn trương kéo mái che phủ 50 – 70% diện tích ao nuôi.
Ngoài ra các hộ nuôi cần lưu ý là hàm lượng oxy thường dao động lớn trong ngày và đêm, thời tiết oi bức nên thường dẫn tới hiện tượng thiếu oxy cục bộ trong ao nuôi vì thế đề nghị bà con tăng cường kiểm tra ôxy, nhất là về ban đêm; tăng cường chạy máy quạt nước, sục khí để tránh thiếu ôxy và phân tầng ôxy, nhiệt độ trong ao.
Bên cạnh đó, người nuôi nên chuẩn bị sẵn nước sạch dự phòng để thay nước cho ao nuôi. Đối với ao nuôi tôm khi nhiệt độ nước tăng trên 32 độ C, cần nâng độ kiềm lên trên 150 ppm tăng tần suất đánh vôi, chế phẩm sinh học và vitamin C để ổn định môi trường nước ao nuôi và tăng sức đề kháng cho đối tượng nuôi. Ngoài ra, khi nhiệt độ cao cường độ trao đổi chất trong thủy sản nuôi tăng mạnh, tôm ăn tăng lên, do đó cần bổ sung thức ăn, men tiêu hóa và vi chất đầy đủ.
Thời gian tới, dự báo thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của những đợt nắng nóng kéo dài hay những cơn mưa với cường độ lớn gây ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, nhất là hoạt động nuôi tôm nước lợ, do đó Trạm thủy sản Kim Sơn – Yên Khánh khuyến cáo: bà con nên đầu tư xây dựng hệ thống mái che, hệ thống nhà lưới, sử dụng lưới lam để che chắn một phần mặt ao làm giảm nhiệt độ cho ao (đặc biệt rất cần với các ao ương giống).
Các hộ nuôi cần cho tôm ăn đúng khẩu phần, chất lượng, thời điểm và vị trí ăn, không để dư thừa thức ăn làm ô nhiễm môi trường ao nuôi, thường xuyên kiểm tra môi trường nước ao nuôi, sức khỏe, tốc độ sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi, thực hiện tốt các biện pháp quản lý ao nuôi.
Nguồn: Trạm Thủy sản Kim Sơn- Yên Khánh