Ngày 6/8, tại Bạc Liêu, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội thảo “Định hướng chiến lược phát triển nuôi tôm nước lợ bền vững tại Việt Nam”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn chủ trì.
Ảnh: Phan Thanh Cường
Báo cáo đánh giá hiện trạng nghề nuôi tôm nước lợ tại Việt Nam cho thấy, năm 2012, sản lượng nuôi tôm nước lợ cả nước đạt 478.960 tấn, bằng 15% sản lượng nuôi trồng thủy sản, giá trị xuất khẩu tôm đông lạnh cũng chiếm tới 36,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong đó, sản lượng và diện tích tôm thẻ chân trắng có sự phát triển vượt trội tôm sú.
Về tình hình dịch bệnh, trong 6 tháng đầu năm, diện tích tôm nước lợ cả nước bị thiệt hại là 33,039 ha; trong đó, tôm sú 28,556 ha, tôm thẻ chân trắng 4.483 ha. Nghề nuôi tôm nước lợ còn phải đối diện với nhiều khó khăn, như đòi hỏi khắt khe của thị trường về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, các rào cản thương mại, giá thành vật tư đầu vào cao, thiếu quy hoạch, hạ tầng thủy lợi chưa đạt yêu cầu, quy trình công nghệ cũ, kiểm soát chất lượng đầu vào chưa tốt…
Những năm gần đây, tại Việt Nam, nuôi tôm sú ngày càng khó khăn, nên nhiều người dân đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Năm 2012, tỉnh Bến Tre dẫn đầu cả nước về diện tích với khoảng 4.165 ha, năng suất bình quân 4,8 tấn/ha. Nhiều địa phương ở miền Bắc, Bắc Trung bộ như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh…, hầu hết nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trong ao đất, nuôi trên cát trong ao lót bạt, năng suất bình quân 8 - 10 tấn/ha. Tại hội thảo, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến xung quanh vấn đề về dịch bệnh từ tôm thẻ chân trắng liệu có lây sang tôm sú, nên nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức nào, những giải pháp để phát triển tôm nuôi hiệu quả và bền vững... Theo Tiến sĩ Lê Thanh Lựu, nguyên Viện trưởng Viện Nuôi trồng Thủy sản 1, để nuôi tôm bền vững và hiệu quả cần khuyến khích các doanh nghiệp phát triển việc tạo nguồn tôm bố mẹ, kiểm soát tốt vấn đề trại giống, xây dựng vùng nuôi theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, có quy hoạch cụ thể và phù hợp với diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, ổn định sản lượng tôm sú khoảng 250.000 tấn/năm.
Bà Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận cũng cho biết, tại Ninh Thuận chưa có phát hiện nào về việc lây bệnh của tôm thẻ chân trắng sang tôm sú, tuy nhiên, chỉ nên nuôi tôm thẻ chân trắng dưới hình thức bán thâm canh, thâm canh và cần có quy hoạch cụ thể, chặt chẽ, chú trọng chất lượng con giống, cơ sở vật chất… Đồng thời, cũng chú ý tới điều kiện thời tiết trong quá trình nuôi và tùy từng địa phương để điều chỉnh cho phù hợp.
Về phía doanh nghiệp, theo đại diện Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long, đối tượng hướng tới của nuôi tôm bền vững chính là người dân, làm sao để người nuôi có lợi, phát triển hiệu quả. Do đó, cần xây dựng các chuỗi liên kết giữa người nuôi, doanh nghiệp và nhà quản lý để tạo điều kiện tốt nhất trong sản xuất; hỗ trợ về kiến thức, vốn, thức ăn… hạn chế rủi ro, thiệt hại cho người dân.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Phạm Anh Tuấn nhận định, sau hơn 10 năm đưa tôm thẻ chân trắng vào sản xuất, ngành thủy sản đã xác định đây là một trong hai đối tượng nuôi tôm chủ yếu ở Việt Nam, thể hiện ở việc gia tăng về diện tích, sản lượng, các mô hình nuôi hiệu quả. Tuy nhiên, việc phát triển tôm thẻ chân trắng cần giữ cân đối với tôm sú, đặc biệt là vùng nuôi quảng canh với các sản phẩm lợi thế, những ảnh hưởng của chúng cũng cần được nghiên cứu thêm. Từ nay đến cuối năm, do nhu cầu của thị trường, kết quả nuôi cao nên vẫn tiếp tục thả nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng không phát triển ồ ạt; đồng thời, các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng vùng để có chỉ đạo thích hợp. Đối với các doanh nghiệp sản xuất tôm giống, Tổng cục Thủy sản cũng khuyến khích việc thực hiện gia hóa tôm bố mẹ nhưng phải tuân theo quy trình của Nhà nước. Bên cạnh đó cũng cần rà soát lại vấn đề quy hoạch trong việc sản xuất tôm giống để tạo sự chủ động về nguồn con giống chất lượng, sạch bệnh.
Theo Thủy sản Việt Nam