Chưa có ràng buộc giữa DN XK thủy sản và người nuôi

Thursday,
22/02/2018
0

Tại Hội nghị kỷ niệm 15 năm thành lập Hiệp hội Chế biến XK thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa tổ chức tại TP.HCM, ông Trương Dình Hòe, Tổng Thư ký Vasep cho hay, trong thời gian qua Vasep đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa DN và người nuôi thông qua việc thường xuyên trao đổi thông tin và hỗ trợ lẫn nhau giữa Vasep và các Hiệp hội, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh.

Tuy nhiên, ông Hòe cũng thừa nhận rằng về mặt pháp lý như các chương trình ký hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm thủy sản, hoặc các chương trình hợp tác cụ thể giữa DN và người nuôi cá tra, tôm trong thời gian qua chưa được Vasep đẩy mạnh. Lý do ông Hòe đưa ra là do nhu cầu hợp tác từ hai phía hiện vẫn chưa thể hiện rõ ràng. DN hoặc nông dân có hợp tác với nhau hay không vẫn do chủ quan từ hai phía cân đối kết quả kinh doanh và hiệu quả sản xuất.

Thực tế cho thấy, mặc dù thời gian qua các DN thủy sản gặp nhiều khó khăn về vấn đề nguyên liệu. Có những thời điểm nguồn nguyên liệu chế biến rất khan hiếm, các DN phải tranh mua mới có thể gom được một phần để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, cũng có thời điểm nguồn cung các mặt hàng thủy sản thừa nhiều so với nhu cầu của các DN do bà con nông dân tự phát nuôi trồng các mặt hàng thủy sản có giá cao, trong khi không quan tâm nhiều đến các yêu cầu của các DN thu mua chế biến XK.

Ông Hòe cho biết, hiện nay về cá tra, các DN thành viên của Vasep đã tự chủ được khoảng 50-60% nguyên liệu. Các DN ngành tôm cũng đã dần mở rộng được các vùng nuôi đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường NK. Do đó, việc liên kết với nông dân chủ yếu vẫn là dựa trên nhu cầu từ hai phía chứ những ràng buộc về pháp lý như hợp đồng nuôi, bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật vẫn chưa phổ biến.

Theo ông Hòe, chủ yếu nhất hiện nay không phải là việc xem xét các DN chế biến XK có hợp đồng ràng buộc với nông dân hay không mà phải có cơ chế làm sao để đảm bảo người dân nuôi trồng thủy sản chắc chắn mua được giống tốt, giảm thiểu thiệt hại về dịch bệnh. Vì những thiệt hại về dịch bệnh không những ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của người nuôi mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các DN chế biến XK.

Được biết, thời gian 1 tháng trở lại đây giá tôm nguyên liệu đang tăng mạnh trở lại vì các thị trường nhập khẩu đang khởi sắc, trong khi đó, sản lượng thu hoạch lại sụt giảm, không đạt như dự kiến ban đầu. Hiện, tôm sú loại 20 con/kg có giá 250.000 đồng/kg, loại 30 con/kg có giá 200.000 – 220.000 đồng/kg, tôm còn sống đang được thương lái mua với giá 300.000 đồng/kg (loại 30 con/kg). Với mức giá cao như ở trên, DN và người nuôi tôm có thể đạt lợi nhuận từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/ha nếu nuôi thành công.

Tuy nhiên, khi hỏi về khả năng tái nuôi của DN và nông hộ, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho rằng, dù giá đang ở mức rất cao nhưng bà con nông dân vẫn ngại thả nuôi vì thiếu vốn và lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại. Tính đến thời điểm hiện nay các hội viên của Hiệp hội tôm Mỹ Thanh mới chỉ thả nuôi khoảng 450ha trên tổng số 2.600ha diện tích của Hiệp hội. Hầu hết các nông hộ đều đã cạn vốn, chưa kể thiếu nợ ngân hàng và bị DN chế biến chiếm dụng từ các vụ nuôi trước nên không thể tái nuôi.

Theo Kinh tế nông thôn

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: