Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, năm 2013, tình hình dịch bệnh trên tôm nước lợ được các địa phương kiểm soát khá tốt, giá tôm nguyên liệu tăng nên người nuôi yên tâm thả giống, mở rộng diện tích canh tác. Để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi năm 2014, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất và phổ biến lịch thời vụ nuôi, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo hiệu quả kinh tế từ nuôi tôm nước lợ.
Kiểm soát tốt dịch bệnh
Theo Tổng cục Thủy sản, 10 tháng đầu năm 2013, diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước hơn 650.500ha, sản lượng thu hoạch hơn 396.900 tấn, tăng 38,7% so với cùng kỳ. Mặc dù bị ảnh hưởng dịch bệnh năm 2012 và diễn biến thời tiết đầu năm 2013 có nhiều bất lợi song do giá tôm nguyên liệu tăng từ giữa năm nên người dân đã tăng vụ, mở rộng diện tích nuôi tôm. Trong đó, tôm thẻ chân trắng tăng cả về diện tích và sản lượng nuôi. Nhiều tỉnh ĐBSCL như Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang,… mở rộng diện tích nuôi tôm trái vụ nhưng tình hình dịch bệnh trên tôm được kiểm soát khá tốt. Ông Cao Văn Viết, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết: Từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm nước lợ của Bến Tre hơn 34.000ha, trong đó hơn 5.400ha là nuôi thâm canh. Từ năm 2012 sang đầu năm 2013, tình hình dịch bệnh trên tôm vẫn diễn biến phức tạp. Sang đến quý II, đầu quý III dịch bệnh trên tôm giảm và cơ bản được khống chế. Tỷ lệ tôm nhiễm bệnh trong vụ 2 chỉ chiếm khoảng 11%, trong khi ở vụ 1 lên đến 50%. Để chủ động phòng chống dịch bệnh trên tôm, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng, củng cố các Ban quản lý vùng nuôi và tập huấn cho các Ban quản lý về quy trình canh tác, phòng trị bệnh trên tôm.
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), năm 2013, dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nước lợ xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước nhưng tổng diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh chỉ bằng khoảng 1/5 so với cùng kỳ 2012, tương đương 5.705ha. Đối với dịch bệnh đốm trắng trên tôm, tổng diện tích nuôi có bệnh là 12.242ha, tăng 4.085ha so với năm 2012. Nguyên nhân là do diện tích tôm thẻ chân trắng tăng đáng kể trong năm 2013 và diện tích tôm thẻ chân trắng mắc bệnh chiếm đến 58,76%. Ông Trần Đình Luân, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết: 10 tháng đầu năm 2013, dịch bệnh trên tôm tuy xảy ra ở nhiều địa phương hơn so với năm 2012. Nhưng tổng diện tích dịch bệnh chỉ bằng 53,62% so với cùng kỳ. Trên cơ sở quản lý tốt dịch bệnh, nhiều người nuôi tôm đã có những đầu tư thỏa đáng theo hướng nuôi thâm canh, công nghiệp nhằm chủ động quản lý và xử lý môi trường nước, xử lý các chất thải trong quá trình nuôi. Người nuôi có ý thức phòng chống dịch bệnh, sử dụng con giống, thuốc thú y thủy sản, thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi thủy sản. Một số địa phương nuôi tôm nước lợ đã chủ động đầu tư hạ tầng thủy lợi, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ người nuôi về kỹ thuật sản xuất, cách thức phòng chống dịch bệnh. Nhờ vậy, tình hình nuôi tôm nước lợ trong 10 tháng đầu năm 2013 có chiều hướng tích cực, sản lượng tăng so với cùng kỳ năm 2012. Nhờ giá tôm tăng cao trong khi dịch bệnh giảm nên người nuôi tôm có lãi.
Năm 2014, Tổng cục Thủy sản dự kiến giữ vững diện tích nuôi và sản lượng tôm sú ở mức 615.000ha và 340.000 tấn; sản lượng tôm chân trắng tăng 20-30% so với năm 2013, tương đương 230.000 tấn và 60.000 ha. Theo khuyến cáo của Cục Thú y, các địa phương nuôi tôm nước lợ cần khẩn trương lập kế hoạch phòng chống dịch bệnh, thường xuyên giám sát và dự báo tình hình, xây dựng lịch thả nuôi cho các vụ tiếp theo nhằm chủ động quản lý dịch bệnh, đảm bảo hiệu quả kinh tế cho toàn vụ nuôi.
Hoàn thiện quy trình nuôi
Theo đánh giá của các nhà khoa học và các địa phương nuôi tôm nước lợ, nguyên nhân gây bệnh hoại tử gan tụy trên tôm đã được xác định song tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng diễn biến phức tạp trong năm 2014. Để chuẩn bị cho mùa vụ nuôi tôm chính năm 2014, việc quản lý môi trường nước nuôi, chất lượng con giống và công tác quản lý thuốc thú y thủy sản tại các địa phương cần được triển khai một cách chủ động. Theo ông Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, các nghiên cứu về tác nhân gây bệnh trên tôm cho thấy, ngay cả với tôm giống đã được xác định sạch bệnh vẫn có khả năng phát bệnh sau khi thả nuôi từ 20-30 ngày. Thời gian phát bệnh trên tôm diễn ra quanh năm, nhất là vào mùa khô. Như vậy, cùng với điều kiện cần là quản lý chất lượng con giống, công tác phòng chống dịch bệnh chủ động phải bao gồm việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi nhằm chủ động phát hiện sớm dịch bệnh và có hướng xử lý phù hợp.
Hội chứng hoại tử gan tụy có ngay ở giai đoạn tôm giống nhưng trong vấn đề kiểm soát chất lượng tôm giống, các địa phương còn lúng túng, chưa nắm rõ phương pháp kiểm soát và hầu như chưa kiểm soát chất lượng tôm giống về hoại tử gan tụy. Bên cạnh đó, khung lịch mùa vụ cũ không còn phù hợp với tôm chân trắng do hội chứng hoại tử gan tụy xuất hiện trùng với khung lịch nuôi chính vụ. Ông Võ Quang Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), đề xuất: "Hiện nay, người nuôi rất chủ động trong phòng ngừa và phát hiện sớm dịch bệnh trên tôm. Vì thế, ngành nông nghiệp cần tiếp tục hỗ trợ người nuôi chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhất là tổ chức phân tích chất lượng nước ở vùng nuôi tôm thường xuyên. Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình quản lý chất lượng tôm giống đầu vào hiệu quả để người nuôi yên tâm sản xuất". Ông Cao Văn Viết, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho rằng: "Trước tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp do ảnh hưởng yếu tố thời tiết, người nuôi cần chủ động canh tác rải vụ theo điều kiện của từng vùng để giảm rủi ro và thả giống với mật độ thưa. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre khuyến cáo người nuôi tôm không thả nuôi ở những vùng có độ mặn cao và triển khai thông tin về lịch thời vụ hằng quý để người nuôi tiện theo dõi, áp dụng.
Tại hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2013 và xây dựng kế hoạch năm 2014 vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, chỉ đạo: Để đảm bảo lợi ích cho người nuôi tôm, các địa phương cần kiểm soát tốt dịch bệnh, chất lượng tôm giống và vật tư đầu vào, đảm bảo chất lượng nguồn nước tại vùng nuôi. Các địa phương nuôi tôm cần vận động người nuôi tuân thủ lịch mùa vụ và triển khai áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào phục vụ nuôi trồng thủy sản, trong đó có tôm nuôi. Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư thuốc thú y nông nghiệp để đảm bảo kiểm soát chất lượng thủy sản theo chuỗi giá trị sản xuất.
Báo Cần Thơ