“Phải vào cuộc với quyết tâm cao nhất, tiến tới dừng, giảm và chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu” - đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng trong cuộc họp triển khai thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ ngày 13.8.
Theo ông Phạm Thế Tài - Chánh Thanh tra Sở NNPTNT Cà Mau - để quản lý tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, chỉ có 4 tỉnh (Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang như chỉ thị 20) là chưa thật sự triệt tận gốc. Khi Cà Mau siết chặt tôm tạp chất lại chạy sang các tỉnh khác và DN trên địa bàn lại gặp khó khăn về nguyên liệu.
Ông Tài nhận định, việc tổ chức bơm chích tạp chất chủ yếu diễn ra tại các điểm thu gom và sơ chế ở địa phương, nên chính quyền địa phương không thể không biết. Tình trạng này vẫn chưa thể chấm dứt, cho thấy sự phối hợp giữa các ngành có liên quan và địa phương chưa tốt.
Nhiều cơ sở tổ chức bơm chích tạp chất có xây dựng hệ thống hàng rào, cửa cổng nhiều lớp nên lực lượng chức năng rất khó tiếp cận. Ông Lâm Hồng Khánh - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản Bạc Liêu - cho rằng, công tác kiểm tra trong thời gian qua chưa được thường xuyên. Các DN phải thật sự “nói không với tôm tạp chất”, chứ nếu chỉ thực hiện tập trung ở 4 tỉnh vẫn không mang lại hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Sóc Trăng - cho rằng, ngoài 4 tỉnh được nêu trong chỉ thị 20, các địa phương khác cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu.
Về phía “chính quyền cơ sở”, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) Nguyễn ĐÐồng Khởi cho rằng, việc bơm chích tạp chất hiện nay đang gây nhiều bức xúc cho người dân địa phương. Mục đích của việc bơm tạp chất chính là để tăng lợi nhuận. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để họ thấy được hậu quả của hành vi này và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Để thực hiện nghiêm chỉ thị 20, lập lại trật tự trong việc thu mua tôm nguyên liệu, ông Lê Dũng cho biết, UBND tỉnh đã đề nghị các huyện rà soát lại toàn bộ các cơ sở thu mua, sơ chế thuỷ sản trên địa bàn.
Tuyên truyền cho họ thấy bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu là việc làm vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu xuất khẩu thuỷ sản của quốc gia, tiến hành cho các cơ sở này ký cam kết nói không với tạp chất bằng mọi hình thức. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản tiến hành phổ biến đến tất cả các doanh nghiệp trong tỉnh. Sau khi đã ký cam kết, nếu địa phương nào còn vi phạm, Chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Theo Báo Lao Động