Có hay không virus hoại tử biểu mô và cơ quan tạo máu (IHHNV) gây chết tôm sú hàng loạt?

Thursday,
22/02/2018
0

Hiện nay có rất nhiều phòng chẩn đoán virus gây bệnh trên tôm cho rằng, trong thời gian vừa qua tôm chết hang loạt là do virus IHHNV gây. Gần đây nhất có một số thông tin cho rằng tôm chết hàng loạt trong thời gian qua ở Sóc Trăng là do virus này. Kết luận này có phải là một nghiên cứu xác thực hay chưa? Trong bài viết này xin trích dịch một nghiên cứu mới của nhóm tác giả người Thái và Việt Nam để hiểu thêm bản chất của IHHNV nhiễm trên tôm.


Virus hoại tử cơ và cơ quan tạo máu (IHHNV) còn được gọi là Penaeus stylirostris densovirus (PstDNV) thuộc họ Parvoviridae (Tattersall et al., 2005) vì trước kia virus này gây bệnh và làm tôm xanh Penaeus (Litopenaeus) stylirostris chết hàng loạt tại Mỹ (Lightneret al., 1983). Ngược lại khi virus này nhiễm trên tôm thẻ chân trắng Penaeus (Litopenaeus) vannamei thì nó chỉ gây chậm lớn và dị dạng còn gọi là hội chứng biến dạng (RDS). Trên tôm sú nuôi ở Thái Lan người ta nhận thấy, tôm sú nhiễm virus này và tôm sú không nhiễm không có sự khác biệt về trọng lượng (hay tốc độ tăng trưởng) cũng như số lượng ấu trùng sản xuất được khi nuôi chúng thành bố mẹ và cho sinh sản. Hội chứng này chỉ làm dị dạng và giảm năng suất nhưng không gây chết hàng loạt.

IHHNV lây nhiễm mang bộ gen chứa sợi đơn DNA có kích thước khoảng 4 kb. Ngoài chủng virus IHHNV lây nhiễm còn có hai loại virus IHHNV không lây nhiễm có trình tự DNA gắn vào trình tự bộ gen của tôm sú ở Úc và Đông Phi. Để xác định virus IHHNV lây nhiễm và không lây nhiễm, phương pháp PCR và nested PCR đặc hiệu đã được thiết lập bởi các nhà khoa học ở Mỹ và Ấn độ. Bên cạnh đó bộ kít thương mại IQ 2000 (Intelligene, Taiwan) cũng đã phát triển mới để phát hiện virus lây nhiễm. Sự phát hiện trình tự IHHNV gắn vào bộ gen ngày càng gia tăng. Vậy câu hỏi đặt ra có hay không sự gắn những vùng của bộ gen IHHNV vào gen tôm đã có. Thứ hai là nghiên cứu này thực hiện để xem xét có sự ngẫu nhiên về số lượng và chiều dài của trình tự IHHNV gắn vào gen tôm sú ở Thái Lan xảy ra thường xuyên. Nghiên cứu này có được bằng cách xem xét dữ liệu từ công việc trước đó và bằng cách sử dụng phương pháp sàng lọc các mẫu vật bằng kỹ thuật PCR mới sử dụng mồi chồng lên nhau được thiết kế để có thể khuếch đại hoàn toàn bộ gen IHHNV (từ vị trí 58–3625 nt trong tổng số chiều dài bộ gen 3873 nt). Có những mẫu khi sử dụng 7 cặp mồi này khuếch đại thì đều cho kết quả dương tính với IHHNV lây nhiễm, trong khi đó có một số mẫu không dương tính hoàn toàn với 7 cặp mồi này. Những mẫu dương tính không hoàn toàn được đem đi phân tích chi tiết để chứng minh rằng những mẫu không dương tính hoàn toàn là có sự gắn trình tự vào gen tôm. Kết quả phát hiện cho thấy những vị trí và chiều dài đoạn gắn vào gen tôm thường xuyên và có những trình tự gắn vào gen tôm cho dương tính giả với cặp mồi 309F/R và bộ kít mới IQ 2000 để phát hiện IHHNV lây nhiễm. Trong kết quả của nghiên cứu của nhóm tác giả này cho thấy khi sử dụng cặp mồi khuếch đại 309F/R và IQ 2000 kít 20 mẫu tôm thẻ thì có đến 18 mẫu dương tính nhưng trong số đó có 14 mẫu dương tính giả chiếm 75%. Một kết quả khác kiểm tra IHHNV nhiễm trên 99 mẫu tôm có 79 mẫu dương tính thì có đến 20 mẫu dương tính giả 25% khi sử dụng kít IQ 2000 và mồi 309F/R. Từ những kết quả nghiên cứu trên cho thấy sự hiện diện đoạn gen đích với các mồi 309F/R và IQ 2000 đã gắn vào gen tôm. Kết quả này cho thấy các nhà quản lý cũng như xét nghiệm cần thận trong hơn khi sử dụng các qui trình PCR trong chẩn đoán IHHNV trên tôm nuôi ở Việt Nam.

Trong một nghiên cứu khác của Viện 2 đã đăng trên tạp chí Nghề cá sông Mê Kông số 4/2014 cho thấy tỷ lệ nhiễm IHHNV cao trên tôm sú nuôi ở các mô hình khác nhau tại ĐBSCL (quảng canh 32,5% – 59,0%, bán thâm canh 14,5% – 92,3%, thâm canh 16,7% – 62,5%).

Tỉ lệ nhiễm IHHNV trên tôm sú bố mẹ tự nhiên ở các vùng khác nhau là rất cao (tổng số lượng khảo sát là 555 con bố mẹ đánh bắt), cụ thể là ở Phú Yên là 63,83%, Rạch Gốc là 58,5±8.3% và Đà Nẵng là 46±9.2%. Phân tích thống kê cho thấy không có sự khác biệt số lượng ấu trùng Nauplius nở giữa nhóm tôm bố mẹ nhiễm và nhóm không nhiễm IHHNV.

Khảo sát sự hiện diện của IHHNV trên các giai đoạn ấu trùng và hậu ấu trùng trong trại giống tôm sú ở cả khu vực miền Trung và miền Nam cho thấy tỉ lệ nhiễm ở Nauplius là 2,94% – 47,83%, Zoae là 8,82% – 67,39%, Mysis là 14,7% – 80,43% và giai đoạn PL là 26,47% – 80,43%. Tuy nhiên, trọng lượng và chiều dài của tôm sú sau 60 ngày nuôi ở các ao nhiễm và không nhiễm IHHNV không có sự khác biệt. Điều này cho thấy IHHNV nhiễm trên tôm sú không có tác động đáng kể đến sự tăng trưởng của tôm sú nuôi.

Tác giả bài viết: Th.s. Cao Thành Trung – Viện NCNTTS 2

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: