Con tôm... lên đời

Friday,
09/02/2018
0

Sau 2 năm dài tôm bị dịch bệnh bùng phát làm chết tràn lan khiến hàng loạt hộ nuôi tôm ở ĐBSCL trắng tay, gần đây tôm nuôi “được mùa, được giá”, tạo nên không khí sôi động trên các cánh đồng tôm…

Nông dân Trà Vinh thu hoạch tôm sú. Ảnh: MINH ĐÔNG

Giá cao, hút hàng

Giá tôm nguyên liệu ở các tỉnh ven biển ĐBSCL tăng liên tục. Hiện tại thương lái thu mua tôm sú loại 20 con/kg với giá khoảng 300.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 220.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 180.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 30 con/kg giá khoảng 200.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 40 con/kg giá 185.000 đồng/kg, loại 100 con/kg giá 120.000 đồng… Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua. Ông Bùi Hoàng Anh, hộ nuôi tôm lâu năm ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), hồ hởi: “Vừa bán 7 tấn tôm thẻ chân trắng thu lời khoảng 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Tình hình này xem như đã gỡ được nợ nần của những vụ trước do dịch bệnh gây hại”. Toàn xã Ngọc Tố có khoảng 2.000ha tôm sú và tôm thẻ; vụ nuôi tôm năm rồi có khoảng 90% diện tích tôm của xã bị dịch bệnh làm tôm chết la liệt, khiến ai nấy đầu lỗ. Vụ này, tôm được mùa - được giá, hầu hết người nuôi đều lời, tạo nên không khí sản xuất sôi động.

Tại Bến Tre, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau… nhiều hộ cũng trúng giá tôm. Ông Đặng Văn Bo, ở xã Định Trung, huyện Bình Đại (Bến Tre) khoe: “Nuôi tôm năm nay hốt bạc cũng nhờ được mùa và giá tăng liên tục. Đặc biệt, tôm rất hút hàng chỉ cần điện thoại là lái tôm tới làm giá, cân liền chứ không kỳ kèo như những năm trước”. Theo ông Bo, sở dĩ tôm đắt đỏ cũng nhờ một phần thương lái Trung Quốc nhảy vào tranh mua nguyên liệu, vì vậy người nuôi bán được giá cao. Dọc các xã Bình Thới, Định Trung, Lộc Thuận… (huyện Bình Đại), thương lái túc trực thường xuyên và sẵn sàng mua tôm bất cứ lúc nào khi người nuôi có nhu cầu bán, để cung ứng cho Trung Quốc. Ông Lê Hoàng Vũ (xã Bình Thới, huyện Bình Đại) nhìn nhận: “Không biết cuộc cạnh tranh nguyên liệu giữa thương lái thu gom tôm cung ứng cho Trung Quốc và các nhà máy thủy sản ở địa phương ra sao. Song có điều là thương lái mua bán dễ chịu và trả giá cao hơn 5.000 - 10.000 đồng/kg so với các nhà máy. Chính vì thế, nên nhiều người nuôi hài lòng khi bán tôm nguyên liệu cho thương lái bán sang Trung Quốc.


Tôm được giá cao, người nuôi ở ĐBSCL phấn khởi.

 

Ở các vùng nuôi tôm của Trà Vinh, thời gian gần đây cũng xuất hiện một số người tự xưng là thương lái thu gom để cung ứng cho Trung Quốc. Ông Phạm Văn Quắn, ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, cho biết, người nuôi tôm sau 2 năm lỗ nặng, nay tôm trúng mùa - được giá nên ai cũng mừng. Đa phần người nuôi không phân biệt đâu là lái nội hay lái ngoại, hễ ai mua cao hơn là bán.

Khôi phục đồng tôm

Những ngày này người dân vùng ven biển ĐBSCL bảo nhau, con tôm đã qua thời lận đận và đang “lên đời” giúp bà con trả nợ cũ, tái sản xuất mới. Nhiều diện tích tôm treo ao trước đây nay đã được đầu tư nuôi lại. Ông Huỳnh Phước Hải, ở xã Bình Trị, huyện Kiên Lương (Kiên Giang), bộc bạch: “Kinh tế chính gia đình dựa vào con tôm, vì thế ai cũng mừng khi tôm được giá. Hiện rất nhiều hộ đã và đang cải tạo ao để nuôi tôm trở lại, song mối lo lớn lúc này là tính bền vững của con tôm”. Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết: “Chúng tôi vừa đi kiểm tra thực tế các vùng tôm thuộc huyện Cần Giuộc, Cần Đước… đa số hộ nuôi tôm đều thắng đậm. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan hoặc thả nuôi tràn lan vượt tầm kiểm soát. Quan điểm của Long An là khuyến cáo người dân nuôi thưa, nuôi đúng thời vụ, nguồn con giống được quản lý chặt về chất lượng… Ngành nông nghiệp đang vận động những hộ nuôi nhỏ lẻ liên kết lại để thành lập tổ hợp tác - qua đó tỉnh sẽ hỗ trợ 70% kinh phí làm ao lắng; đồng thời giúp người nuôi kỹ thuật để phát triển nghề nuôi tôm bền vững”.

Theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, toàn tỉnh có hơn 85.000ha tôm nuôi (trong đó khoảng 5.000ha tôm công nghiệp); hiện tôm sú và tôm thẻ đều trúng. Tuy nhiên, Bạc Liêu vẫn tăng cường kiểm soát chặt vùng nuôi, và lưu ý người dân cẩn trọng không chạy theo phong trào khi thấy tôm được giá. Tỉnh khuyến cáo nuôi thưa, đối với tôm sú chỉ nên nuôi 1 vụ/năm, tôm thẻ khoảng 2 vụ/năm… Trong đó, tôm sú vẫn đóng vai trò chủ lực; riêng tôm thẻ chỉ nên nuôi thâm canh, với diện tích vừa phải.

Khuyến cáo là vậy, thế nhưng trước hấp lực của con tôm đã khiến nhiều hộ ở Cà Mau mạnh dạn bỏ ruộng lúa để chuyển sang nuôi tôm. Trong khi tại Bến Tre cũng có hàng loạt hộ tự ý phá bỏ vườn dừa đưa nước mặn vào nuôi tôm ở vùng ngọt hóa, nguy cơ phá vỡ quy hoạch. Đây là những vấn đề phát sinh khiến chính quyền địa phương đau đầu trong việc xử lý hài hòa giữa con tôm với các loại cây trồng khác.

Đối với việc tư thương đẩy giá tôm lên cao để thu gom nguyên liệu bán sang Trung Quốc, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có văn bản đề nghị ngành chức năng có biện pháp ngăn chặn, giảm tình hình “chảy máu” tôm nguyên liệu, gây khó cho các nhà máy chế biến thủy sản trong nước. Người nuôi cũng cần thận trọng việc thu mua tôm giá cao nhưng không hề kiểm tra chất lượng, kích cỡ… nhằm tránh bài học cay đắng đã từng xảy ra với sản phẩm khoai mì, khoai lang trước đây.




Báo Sài Gòn Giải Phóng
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: