Con Tôm “Mắc cạn” cuối vụ

Monday,
12/02/2018
0

Do tác động từ thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam nhập vào thị trường Mỹ của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL giảm mạnh…


http://tomgiongchauphi.com/uploads/news/2014_10/dn-xk-tom.jpg

* Giá tôm đồng loạt giảm

Theo kết quả điều tra của ngành nông nghiệp, giá tôm các loại từ ngày 27-9 đến ngày 3-10 đã giảm khoảng 5.000 đồng/kg, chủ yếu là ở tôm cỡ nhỏ. Tôm thẻ chân trắng (tôm thẻ) loại 100 con/kg ở mức 100.000 đồng/kg, loại 50 con/kg giá 130.000 đồng/kg và loại 40 con/kg có giá 150.000 đồng/kg. Riêng tôm sú 100 - 60 con/kg có giá thấp hơn tôm thẻ khoảng 5.000 đồng/kg, nhưng từ loại 40 - 30 con/kg, có giá cao hơn tôm thẻ từ 15.000 đồng/kg trở lên. Hiện tại, giá tôm sú 40 con/kg ở mức 165.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 200.000 đồng/kg và loại 20 con/kg giá 250.000 đồng/kg. Tuy đã giảm, nhưng với mức giá hiện tại, nếu đạt năng suất, người nuôi vẫn có lợi nhuận khá so với những đối tượng khác. Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho biết: “Khi giá tôm chưa giảm, nếu nuôi đạt năng suất, một đồng vốn người nuôi có thể có một đồng lời. Còn hiện tại, mức lời giảm xuống còn 50-70% so với vốn đầu tư”.

Quan sát thị trường tôm trong 2 tuần qua cho thấy, giá tôm đã bắt đầu chững lại và chưa có dấu hiệu giảm thêm, nên người nuôi cũng tạm yên tâm. Ông Hồ Quốc Lực lý giải: “Thời điểm hiện nay, lượng tôm khu vực ĐBSCL không còn nhiều. Việc DOC công bố mức bán chống phá giá đối với tôm Việt Nam chỉ là rào cản tạm thời. Vì các doanh nghiệp có thể chuyển hướng sang những thị trường khác, do nhu cầu tôm hiện vẫn còn rất thuận lợi cho xuất khẩu”. Thực tế cho thấy, ngay trong thời điểm phía Mỹ công bố mức thuế chống bán phá giá, vẫn có một số doanh nghiệp chế biến ở Sóc Trăng ký được hợp đồng mới với giá khá thuận lợi.

Đây chính là một trong những nguyên nhân giúp giá tôm không giảm sâu như lo lắng của nhiều hộ nuôi tôm. Theo các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh, thuận lợi của con tôm ĐBSCL và cả nước là sản phẩm tinh chế vì nhiều nước có sản lượng tôm lớn, nhưng hàng tinh chế lại rất ít và không đạt chất lượng như tôm Việt Nam. Trong khi đó, thị trường Mỹ vốn tiêu thụ chủ yếu là mặt hàng tinh chế nên sản phẩm tôm Việt Nam vẫn có đường vào thị trường này, cho dù giá bán có thể giảm đi do mức thuế chống bán phá giá. Một điểm quan trọng khác là tôm Thái Lan năm nay đạt sản lượng rất thấp nên tính cạnh tranh cũng không cao.

* Nỗi lo lớn vẫn là kháng sinh

Về mức thuế chống bán phá giá liệu có ảnh hưởng đến kết quả hoạt động năm 2014 của các doanh nghiệp hay không, ông Hồ Quốc Lực cho biết: “Trước mắt, phần lớn các doanh nghiệp không thiệt hại. Vì đa phần, các hợp đồng xuất khẩu vào Mỹ được bán theo giá CFR (tới cảng). Chỉ một số ít doanh nghiệp bán theo giá DDP (trực tiếp tới kho nhà nhập khẩu) mới phải chịu khoản thuế này. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu kết quả kháng kiện của chúng ta không thành công, giá bán sẽ bị giảm xuống, cả doanh nghiệp và người nuôi tôm đều phải chịu thiệt hại”. Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta là một trong số 3 bị đơn bắt buộc trong đợt chống bán phá giá tôm. Nhưng theo ông Hồ Quốc Lực, khó khăn chỉ ở tính phức tạp của quá trình xem xét, thị trường tiêu thụ của con tôm Việt Nam vẫn rất rộng.

Trước đây, trong những lần xem xét kiện chống bán phá giá, DOC thường chọn bị đơn là những doanh nghiệp có doanh số lớn làm đại diện. Nhưng lần này, DOC đã chọn theo cách phân loại doanh nghiệp thành 3 nhóm có doanh thu từ cao đến thấp và tiến hành chọn ngẫu nhiên từ mỗi nhóm một doanh nghiệp để làm bị đơn bắt buộc. Do đó, theo VASEP, các doanh nghiệp tôm Việt Nam sẽ tiến hành nộp đơn kháng kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (CIT) về mức thuế phi lý này. “Tôm Việt Nam không bán phá giá. Nhưng DOC lấy giá trị từ một nước khác (như Bangladesh) và tính thêm hệ số trượt giá làm giá trị thay thế tăng lên, để cho rằng tôm Việt Nam bán phá giá là chưa phù hợp”, ông Hồ Quốc Lực phân tích. “Mặt khác, theo quy luật cung - cầu ở mỗi thị trường, khi vào vụ, giá tôm thường rẻ và cuối vụ giá cao, nên các doanh nghiệp không thể bán với mức giá cố định trong suốt cả năm được. Tiếc thay, phía DOC lại chỉ chăm chăm vào thời điểm doanh nghiệp bán giá thấp, để lấy đó làm cơ sở cho rằng tôm Việt Nam bán phá giá tại thị trường Mỹ, nhằm áp mức thuế phi lý cho con tôm Việt Nam” - ông Hồ Quốc Lực cho biết thêm.

Theo các doanh nghiệp chế biến thủy sản, không có thị trường Mỹ, con tôm Việt Nam vẫn có những thị trường khác, thậm chí có giá cao hơn cả thị trường Mỹ. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp quan tâm hiện nay, không chỉ ở yếu tố thương mại, mà ở vấn đề kỹ thuật. Trong đó, nổi bật là tình hình dư lượng kháng sinh trong tôm nuôi vẫn còn vượt ngưỡng cho phép tại một số thị trường lớn, nhưng khó tính như Nhật Bản hay EU. Điều này đã được phía nhập khẩu cảnh báo và áp dụng biện pháp nâng tần suất kiểm tra dư lượng kháng sinh trong tôm của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nâng mức thu mua cao hơn từ 10.000 đồng/kg trở lên (nếu kiểm tra không có dư lượng kháng sinh), nhưng đôi lúc vẫn “lọt lưới” và bị trả về vài container vì dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép.



Báo Cần Thơ

 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: