Con tôm Việt Nam

Wednesday,
21/02/2018
0

Do những thuận lợi về điều kiện tự nhiên mà nghề nuôi tôm đã có từ lâu đời dọc theo ven biển nước ta, đặc biệt là xung quanh các vùng cửa sông suốt từ Nam chí Bắc. Tuy nhiên, chuyển từ lấy giống tự nhiên nuôi cách đơn giản đầu tư thấp như truyền thống xưa nay để trang trải cuộc sống sang làm ăn lớn để trở thành một ngành sản xuất hàng hóa có tính chất công nghiệp và có vị thế cao hiện nay là sự chuyển đổi đáng kể nhất ở nước ta tính chỉ khoảng ba mươi năm đổ lại.


Ai biết về tôm cũng hiểu rằng con tôm lớn được phải lột xác. Ngành tôm lớn được cũng phải qua nhiều sự chuyển đổi, chứ không đơn thuần là sự tăng số học như những con số về sản lượng và giá trị xuất khẩu “năm sau cao hơn năm trước”.

Điều đầu tiên khi nói đến nuôi tôm công nghiệp là phải nói đến sự chủ động về con giống và thức ăn mà không thể lệ thuộc vào nguồn tự nhiên ít ỏi và thất thường. Ở nước ta, con tôm sinh sản nhân tạo đầu tiên trong quy mô thí nghiệm là vào năm 1972 (Đây là một sự kiện khoa học đáng nhớ được thực hiện tại trạm nghiên cứu nuôi trồng thủy sản nước lợ - nơi nghiên cứu cho tôm thẻ đẻ lần đầu tiên vào đầu những năm 1970. Trạm có tên ban đầu là Trạm nghiên cứu nuôi hải sản nước, lập năm 1961).

TS Tạ Quang Ngọc
 

Nghĩ về con giống nhân tạo tức là đã bắt đầu nghĩ về các hình thức nuôi tôm khác, ít ra thì cũng không phải theo phương thức thô sơ truyền thống trước đó. Tuy nhiên, ý tưởng nuôi thâm canh và bán thâm canh khoảng 20 năm sau đó mới thực hiện được; để tạo bước nhảy vọt về sản lượng và giá trị tôm nuôi và góp phần tăng nhanh xuất khẩu cho đến ngày nay, làm cơ sở cho sự hình thành và phát triển của ngành chế biến thủy sản xuất khẩu.

Những điểm nhấn quan trọng trong quá trình chuyển đổi mang tính bước ngoặt ngành tôm:

- Chính sách đầu tư và phát triển kinh tế thị trường nhiều thành phần đã mở đường cho sự chuyển đổi cơ chế mang tính đột phá từ đầu những năm 1990 để các tiến bộ kỹ thuật và các nguồn lực xã hội được đầu tư và áp dụng thành công. Nội lực để đi đến thành công đó ở ngay sự sáng tạo trong tổ chức sản xuất và áp dụng khoa học kỹ thuật của doanh nghiệp và người nuôi tôm được “kích hoạt” bởi cơ chế quan trọng này. Cùng đó, các hình thức liên doanh và hợp tác đầu tư với nước ngoài ngày một đa dạng và hiệu quả, trong đó dù không mấy suôn sẻ, nhưng VATECH (một liên doanh giữa SEAPRODEX với hãng LOBANA - Australia ở buổi đầu) đã cho thấy khả năng hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực này; tìm đến các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm con giống, thức ăn, cải thiện các hình thức nuôi và cung cách quản lý hình thành nên ngành tôm nuôi.

- Về cơ cấu, ngành nuôi tôm đã hai lần chuyển đổi có ý nghĩa cơ bản.

Lần đầu vào những năm 2000 - 2002 với việc chuyển đổi đáng kể đất trồng lúa ít hiệu quả, cùng với khai thác các vùng hoang hóa ven biển để phát triển nuôi tôm. Đây không phải chỉ là sự tăng về lượng (diện tích), nhờ có các vùng chuyển đổi rộng lớn mà quy hoạch lại, tạo các vùng nuôi với mức độ áp dụng thâm canh hợp lý, tạo ra cơ cấu về các hình thức nuôi khá ổn định cho đến nay. Có thể nói cơ cấu về đất đai và vùng nuôi được hình thành từ lúc này.

Tiếp đó là về cơ cấu đối tượng nuôi được bắt đầu từ giữa thập niên trước và kéo dài một số năm, trong đó, việc đưa tôm thẻ chân trắng vào là một bước đột phá; đồng thời, tìm kiếm một cơ cấu hợp lý về sản phẩm nuôi, nhất là giữa tôm sú và tôm chân trắng cho phát triển nuôi tôm ngày càng trở nên bền vững ở Việt Nam.

Tất nhiên, để những sự thay đổi về cơ chế và chuyển đổi về cơ cấu nêu trên phát huy được hiệu quả, yếu tố về khoa học công nghệ, cũng như việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật luôn được nhà nước khuyến khích. Cùng với kết quả những công trình nghiên cứu và triển khai do các cơ quan nghiên cứu đảm nhận, tập trung vào các kết quả của Chương trình khoa học cấp Nhà nước KN04 giai đoạn 1991 - 1995, nguồn tiến bộ đến từ các liên doanh, hợp tác là đáng kể và trải suốt nhiều năm. Không ít doanh nghiệp trong nước đã đầu tư lớn vào các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất con giống chất lượng cao, thức ăn và các kỹ thuật tiên tiến khác trong nuôi và xử lý môi trường.

Trong quá khứ, sự chuyển đổi cơ chế hay cơ cấu nêu trên đòi hỏi trách nhiệm cao đi cùng với sự cầu thị, nhạy bén của người làm quản lý. Trong thực tế, có khi nếu không có sự “tự phát” ban đầu của doanh nghiệp và người nuôi, thì khó có được con tôm Việt Nam có chỗ đứng trên trường quốc tế như hiện nay.

ĐBSCL là vùng trọng điểm trong phát triển ngành tôm, nơi vừa xảy ra hạn mặn đầu năm, và về lâu dài đang hứng chịu những hậu quả của biến đổi khi hậu và rủi ro về nước đầu nguồn. Thiết nghĩ tái cơ cấu cần tiếp tục làm sao để những yếu tố mới đó được xem xét thấu đáo nhằm đảm bảo phát triển nuôi tôm bền vững.

TS Tạ Quang Ngọc - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản

 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: