Con tôm với một năm “niềm vui nhân đôi”

Friday,
09/02/2018
0

Năm 2013, con tôm tiếp tục chứng tỏ thế mạnh mũi nhọn trong ngành thủy sản, với sự bứt phá ngoạn mục cả trong nuôi trồng và xuất khẩu, trở thành điểm sáng vực dậy toàn ngành. Tuy nhiên, tình trạng nuôi ồ ạt, tăng trưởng nóng, nhất là với tôm thẻ chân trắng đang gây nên nhiều lo ngại.


Thắng toàn diện

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2013, sản lượng nuôi tôm nước lợ ước đạt 548.000 tấn (tăng 12,3%), diện tích ước 666.000 ha, tăng 1,6% so năm 2012; trong đó, tôm sú 600.000 ha, sản lượng 268.000 tấn, giảm 2,2% về diện tích và 11,3% sản lượng; tôm thẻ chân trắng (TTCT) khoảng 66.000 ha và 280.000 tấn, tăng 57,9% diện tích và 50,5% về sản lượng.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, giá TTCT đạt mức cao kỷ lục, từ giữa tháng 11/2013, giá TTCT tại các tỉnh ĐBSCL ở mức giá 180.000 đồng/kg, gấp gần hai lần so cùng kỳ năm 2012. Giá tăng cao nên nhiều địa phương như: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Quảng Nam, Quảng Ngãi… liên tục mở rộng diện tích nuôi. Cụ thể, tại Bến Tre, 600 ha đất dừa đã được chuyển sang nuôi tôm. Ở Sóc Trăng, vụ tới, diện tích nuôi tôm có thể tăng 50% so với 15.000 ha năm 2013. Tại Tiền Giang, dự kiến năm 2014, diện tích TTCT gấp bốn lần tôm sú.

http://www.thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/tieu%20diem/z300-Thuy-san-Viet-Nam2752-.jpg

Năm 2013, sản lượng tôm sú ước đạt 268.000 tấn - Ảnh: Phan Thanh
 

Về xuất khẩu, sản phẩm tôm của Việt Nam có mặt tại 156 thị trường, trong đó các thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất là Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Australia, Brazil, Mexico và Nga. Và dự kiến cả năm, xuất khẩu của tôm sẽ đạt 2,8 tỷ USD, chiếm trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Không phá vỡ quy hoạch

Đây là chỉ đạo của Bộ NN&PTNT với Tổng cục Thủy sản để ngành tôm phát triển bền vững và hiệu quả. Theo đó, các địa phương cần lưu ý lịch mùa vụ, quản lý vật tư đầu vào, đặc biệt là con giống, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng, thức ăn, vật tư nông nghiệp khác, để đảm bảo cho chất lượng sản phẩm xuất khẩu cũng như tiêu dùng. Cụ thể, việc tăng cường biện pháp quản lý giống, nhất là kiểm tra nguồn gốc xuất xứ tôm bố mẹ nhập khẩu và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh...

Ông Dương Tiến Thể, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản cũng cho rằng: Người dân thấy nuôi TTCT có hiệu quả nên đã chuyển đổi rất mạnh từ nuôi tôm sú sang TTCT. Nhiều địa phương chưa có quy hoạch nhưng cũng chuyển đổi từ đất cát ven biển sang nuôi tôm. Tuy nhiên, cần phải nhìn xa hơn, bởi Việt Nam đã khắc phục phần nào dịch bệnh trên tôm, các nước trên thế giới cũng sẽ nhanh chóng hạn chế được tình trạng này. Và nếu họ khắc phục được dịch bệnh, sản lượng tăng, giá tôm sẽ giảm. Hơn nữa, phát triển nuôi tôm ồ ạt mà không quản lý được sẽ gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh sẽ quay lại.

>> Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng: Năm 2014, Việt Nam nên duy trì diện tích và sản lượng tôm sú như năm 2013, vì tôm sú vẫn là ưu thế của Việt Nam. Với TTCT, sản lượng có thể tăng khoảng 20 - 30% nhưng diện tích tăng lên không đáng kể và đây vẫn là đối tượng chủ lực của ngành tôm.


Thủy sản Việt Nam

 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: